Chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ
Trần Duy Đức
2024-05-03T11:23:22+07:00
2024-05-03T11:23:22+07:00
https://annhon.binhdinh.gov.vn/vi/news/cac-tin-khac/chia-lua-voi-chien-truong-dien-bien-phu-1229.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Thị xã An Nhơn
https://annhon.binhdinh.gov.vn/uploads/logoannhon.png
Càng về sau, quân viễn chinh Pháp càng sa lầy không lối thoát trong chiến tranh xâm lược Đông Dương, nhưng thực dân Pháp được can thiệp Mỹ hà hơi tiếp sức, chúng tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh chiến tranh bằng triển khai kế hoạch Nava đầy tham vọng, hòng kết thúc chiến tranh trong thế thắng.
Trước âm mưu của kẻ thù, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh hạ quyết tâm đánh bại kế hoạch Nava. Quân khu V chuẩn bị chiến dịch Bắc Tây Nguyên, mục tiêu là giải phóng Kon Tum, giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho đia phương, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân kìm chân và tiêu hao sinh lực địch.
Đầu tháng 1/1954, tỉnh ta huy động sự nổ lực cao nhất của quân và dân trong tỉnh ra sức bảo vệ vùng tự do, chi việc sức người, sức của cho chiến trường Bắc Tây Nguyên. Huyện An Nhơn thành lập thêm một đại đội bộ đội huyện để bổ sung cho tỉnh, lấy lực lượng huyện và dân quân du kích đảm nhiệm chiến đấu tại chỗ để quân chủ lực tập trung vào chiến dịch Tây Nguyên. Lực lượng dân công tổ chức thành trung đội, đại đội và phân cấp ủy chỉ huy chỉ đạo cụ thể để phục vụ chiến trường. Hình thành các tổ nhóm tương trợ sản xuất và thu hoạch mùa màng, tiếp tục thực hiện thực hiện kế hoạch sơ tán dân, cất giấu tài sản, nhất là lương thực.
Bình Định chia làm hai khu vực tác chiến: Ở phía bắc gồm các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ do bộ đội tỉnh, huyện và dân quân du kích xã phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi và một bộ phận của quân khu cơ động ở phía bắc tỉnh ta. Khu vực phía nam gồm các huyện Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Bình Khê và thị xã Quy Nhơn, đây là khu vực trọng điểm do một tiểu đoàn bộ đội tỉnh làm chủ công và các đại đội bộ đội huyện cùng dân quân du kích đảm nhiệm chiến đấu, phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên và một bộ phận của quân chủ lực quân khu cơ động ở phái nam tỉnh, chia lửa với các chiến trường lớn.
Ở An Nhơn cả hai đầu đông tây đều bị giặc uy hiếp, tàu chiến Pháp rập rình đổ bộ lên đất liền ven biển, tác động đến các xã Nhơn Hạnh, Nhơn Phong; phía tây thì quân Pháp nhiều phen vượt đèo An Khê đánh chiếm Bình Khê và các xã phía tây nam An Nhơn, nhưng đều bị quân và dân ta đẩy lùi. Vừa uy hiếp trên bộ, trên không chúng dùng máy bay ném bom nhiều nơi, gây thiệt hại về người và tài sản.
Trước tình hình đó, huyện An Nhơn tăng cường xây dựng thế trận bố phòng toàn dân, triệt để thực hiện vườn không nhà trống, đảm bảo hậu cần tiếp tế, tải thương, cứu thương từ chiến trường chuyển về. Ngoài bệnh viện Song Thanh của tỉnh từ Quy Nhơn sơ tán lên đóng tại Nhơn Phong, còn có các trạm phẩu quân y dã chiến ở Nhơn Mỹ, Nhơn Khánh, Nhơn Thành…cùng các trạm y tế dân y xã tiếp nhận sơ cứu thương binh và nhân dân. Các Hội Phụ lão, Hội Phụ nữ, Hội Mẹ chiến sĩ…vận động quyên góp gạo, đường sữa và đón nhận, chăm sóc thương binh.
Bước vào mùa xuân Giáp Ngọ, ta đang khẩn trương triển khai chiến dịch, thì ngày 20/1/1954, quân Pháp bắt đầu mở cuộc hành quân At- Lăng, một bộ phận kế hoạch Na va, đánh ra Phú Yên. Cuộc hành quân này địch chia làm ba bước: bước 1 đánh chiếm thị xã Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên; bước 2 đánh chiếm thị xã Quy Nhơn và tỉnh Bình Định; bước 3 tập trung lực lượng từ bốn phía, lấy thị xã Quảng Ngãi làm hợp điểm tấn công, hoàn thành đánh chiếm các tỉnh vùng tự do Liên khu V.
Quân Pháp từ biển đổ bộ đánh chiếm Quy Nhơn, phối hợp với các cánh quân từ Phú Yên đánh ra và từ An Khê đánh xuống chiếm Bình Khê, An Nhơn rồi mở rộng đánh chiếm vùng tự do tỉnh ta và cả Liên khu V. Huyện An Nhơn được lệnh báo động sẵn sáng chiến đấu, kiên quyết không cho địch chiếm đóng.
Trong khi giặc Pháp mở chiến dịch At- Lăng ở Phú Yên và Bình Định, thì ngày 27/1/1954, quân chủ lực Quân khu V nổ súng mở màn chiến dịch Bắc Tây Nguyên, giải phóng tỉnh Kon Tum. Huyện An Nhơn đưa một số cán bộ lên tiếp quản vùng giải phóng, dân công tiếp tế gạo cho bộ đội và đồng bào Kon Tum.
Bị ta đánh mạnh từ nhiều hướng, quân Pháp buộc phải rút khỏi Tuy Hòa để tăng viện cho Tây Nguyên, liều lĩnh đánh vào Bình Định nhằm thu hút, căng kéo bộ đội chủ lực ta. Ngày 10/3/1954, quân Pháp từ Sông Cầu và La Hai chia thành hai cánh quân theo quốc lộ 1 và đường số 6 đánh ra Vân Canh, Tuy Phước nhưng bị lực lượng ta dựa vào địa hình hiểm trở chận đánh tiêu diệt nhiều sinh lực.
Ngày 12/3/1954, quân Pháp ở Quy Nhơn phối hợp cánh quân trên bộ gặp nhau ở Diêu Trì và từ An khê chuẩn bị vượt đèo đánh xuống, hợp lực đánh úp tỉnh Bình Định. Ngày sau, 13/3/1954, Pháp tiếp tục đổ bộ lên vùng Phước Hải, Đề Gi, Thị Nại thì đúng vào ngày đó bộ đội chủ lực nổ súng mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, quân Pháp ở phía nam càng hoang mang, lúng túng đối phó.
Trong tỉnh, sau khi hai cánh quân của Pháp ở Quy Nhơn và Cù Mông gặp nhau, rải quân chiếm đóng một ố nơi. Nhưng vấp phải thế trận chiến tranh nhân dân, trong đó có bộ đội, du kích của An Nhơn mang theo hàng trăm bàn chông, cạm bẩy chi viện chặn đánh địch quyết liệt, gây cho chúng nhiều tổn thất, ngày 4/4/1954, quân Pháp phải rút khỏi Tuy Phước, gom quân về cố thủ Quy Nhơn.
Trong lúc địch ở Quy Nhơn bị lực lượng ta bao vây tiêu diệt, thì trên chiến trường Tây Nguyên quân chủ lực tiến công cắt đứt quốc lố 19. Trong chiến dịch Tây Nguyên, huyện An Nhơn huy động hàng trăm bộ đội, du kích tham gia chiến đấu, hơn 5.000 dân công cùng ngựa thồ, xe đạp cải tiến ngày đêm trèo đèo, lội suối chuyển lương, tiếp đạn ra chiến trường, góp phần giành thắng lợi.
Bị uy hiếp mạnh, ngày 26/4/1954, quân địch ở An khê tháo chạy lên Pleiku, bị lực lượng ta đã giăng bẩy sẵn, phục lót đoạn An Khê đi Mang Giang, xóa sổ toàn bộ binh đoàn 100 Âu Phi và các đơn vị khác, thu hàng trăm xe cơ giới, trên 01 ngàn súng các loại, có 20 khẩu đại bác. Dân công, thanh niên xung phong các huyện An Nhơn, Bình Khê…nô nức lên thu dọn chiến trường, đưa chiến lợi phẩm về cất giữ tại vườn xoài Tân Nghi, Gò Găng, Tân Lệ. Hàng ngàn người dân trong tỉnh kéo nhau đi xem chiến lợi phẩm và tù binh quân đội viễn chinh Pháp.
Sau chiến thắng ở mặt trận Tây Nguyên và phía nam Bình Định, đến ngày 7/5/1954, đại quân của ta đã kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với chiến thắng vang dội, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Quân dân Liên khu V nói chung, An Nhơn- Bình Định nói riêng tự hào đã chia lửa cùng chiến trường Điện Biên Phủ. Hiệp định Giơnèvơ về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được ký kết.
Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, huyện An Nhơn đã làm tròn nhiệm vụ hậu phương chiến lược, chung lòng, chung sức tích cực chi viện tiền tuyến, ra sức xây dựng và bảo vệ trọn vẹn vùng tự do, chưa có tên lính Pháp nào đặt chân lên đất An Nhơn, góp phần xứng đáng vào công cuộc kháng chiến- kiến quốc, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Tác giả bài viết: Trần Duy Đức