Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Thu
Chính Đức
2022-07-20T11:14:02+07:00
2022-07-20T11:14:02+07:00
https://annhon.binhdinh.gov.vn/vi/news/van-hoa-xa-hoi/me-viet-nam-anh-hung-dang-thi-thu-336.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Thị xã An Nhơn
https://annhon.binhdinh.gov.vn/uploads/logoannhon.png
Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Thu từ khi sinh ra và lớn lên hoạt động cách mạng đến ngày rời cõi tạm theo ông bà về thế giới bên kia đều gắn bó suốt đời ở xứ nghề bánh hỏi, bánh ướt, cốm nổ làng Nhơn Thuận, ngày xưa thuộc tổng Háo Đức, phủ An Nhơn, sau cách mạng tháng Tám đổi thành xã Nhơn Thành, một trong 12 xã thuộc huyện An Nhơn thời ấy, nay là khu vực Nhơn Thuận, phường Nhơn Thành.
Cách mạng tháng Tám nổ ra Đặng Thị Thu mới bước vào tuổi 15, như chim sổ lồng, hăng hái tham gia phong trào thanh thiếu niên, ham mê ca hát, luyện tập văn nghệ, giúp cha mẹ lo công việc ruộng nương, vót chông bố phòng , góp phần xây dựng và bảo vệ vùng tự do. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta được quá nửa chặng đường thì nữ thanh niên Đặng Thị Thu thầm yêu anh thanh niên cùng làng, tên là Nguyễn Thanh Cảnh, một cán bộ kháng chiến tích cực và đám cưới của họ được tổ chức theo nếp sống văn hóa thời kháng chiến.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi thì vợ chồng Nguyễn Thanh Cảnh- Đặng Thị Thu sinh được người con gái đầu lòng và cũng là người con duy nhất của họ, đặt tên là Nguyễn Thị Loan. Hiệp định đình chiến Giơnèvơ được ký kết, chồng mẹ cùng đông đảo cán bộ, bộ đội lên đường tập kết ra miền Bắc làm nhiệm vụ mới, bịn rịn chia tay người vợ trẻ và đứa con gái cưng mới hai tuổi.
Những tưởng sau hai năm đất nước sẽ được thống nhất, người chồng yêu quý sẽ về đoàn tụ gia đình với mẹ Thu và con gái Loan. Nhưng đối phương đã tráo trở xóa bỏ hiệp định đình chiến, ngang nhiên tuyên bố không tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai miền, vì chúng muốn chia cắt lâu dài nước ta, để dễ bề thôn tính miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của Mỹ.
Được Mỹ nuôi dưỡng và dung túng, chính quyền Sài Gòn thẳng tay đàn áp đẫm máu những cán bộ kháng chiến cũ và gia đình có người thân đi tập kết, trong đó có hai mẹ con Đặng Thị Thu. Vừa lo công việc ruộng vườn, làm thêm nghề phụ, chạy chợ nuôi con, vừa cắn răng, nuốt nước mắt chịu đựng sự hành hạ của kẻ thù cực kỳ độc ác.
Những năm đầu sống dưới chế độ Mỹ- Diệm, hết ngày lại đêm không kể mưa nắng, bão lụt, tay ẵm con thơ, tay ôm mền chiếu cùng bao gia đình tập kết và cán bộ kháng chiến cũ đi ngủ đình, ngủ miễu đến giữ hàng rào ấp chiến lược, bốn bề chúng rải chông que, cài lựu đạn cài dày đặc. Nếu cách mạng vào ấp thì súng nổ, gia đình tập kết và cán bộ đảng viên hứng chịu và còn bị quy tội là tiếp tay cộng sản.
Trước thực trạng phong trào cách mạng ở miền Nam bị tổn thất nặng nề, tháng 01/1959, Trung ương đã kịp thời ban hành Nghị quyết 15 lịch sử về chuyển hướng đấu đấu tranh cách mạng ở miền Nam là dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, tiến tới lật đổ chính quyền Sài Gòn, lập nên chính quyền cách mạng của nhân. Một số cán bộ tập kết lần lượt được cử vào Nam, trong đó có cán bộ ở Nhơn Thành đầu những năm 60 của thế kỷ trước đã về đến quê hương, móc mở xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật, trong đó mẹ Đặng Thị Thu là một trong những người tham gia cơ sở sớm ở phía đông Nhơn Thành.
Tháng 10/1964, tiếng súng đồng khởi nổ ra đầu tiên ở Thuận Thái- Nhơn An, bên kia sông Thạch Yển, càng thôi thúc tinh thần cách mạng của quần chúng ở các xã lân cận, trong đó có Nhơn Thành, do cơ sở làm nòng cốt, lần lượt nổi dậy phá bung hàng rào ấp chiến lược. Phần lớn xã Nhơn Thành và các xã khu Đông, khu Tây An Nhơn được giải phóng, cùng với vùng giải phóng trong tỉnh và cả miền Nam tạo thế bao vây thành thị, đẩy chế độ Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Hòng cứu vãn tình thế, quân Mỹ và chư hầu ào ạt đổ quân vào miền Nam, đẩy cường độ chiến tranh lên cao, ra sức phản kích đánh phá ác liệt, biến vùng giải phóng thành vùng trắng hoang hóa, dồn dân vào sống tập trung gần quận lỵ, thị trấn để chúng dễ kiểm soát và kìm kẹp. Trong những năm phong trào cách mạng ở Nhơn Thuận nói riêng và xã Nhơn Thành nói chung gặp khó khăn tổn thất, thì mẹ Đặng Thị Thu là một trong những cơ sở trung kiên đã mưu trí vượt qua mọi sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù, góp phần quan trọng vào phong trào chung của Nhơn thành và khu Đông.
Người con gái cưng duy nhất của vợ chồng Nguyễn Thanh Cảnh- Đặng Thị Thu là Nguyễn Thị Loan sớm giác ngộ cách mạng, cùng với mẹ hoạt động cơ sở tích cực nhưng bị lộ, được cấp trên bố trí thoát ly trực tiếp cầm súng đánh giặc. Qua thử thách, chị Loan được kết nạp Đảng khi chưa tròn 18 tuổi và được phân công giữ trọng trách Phó bí thư chi bộ Đội vũ trang công tác xã Nhơn Thành, lập nhiều chiến công trong chiến dịch Mùa Hè đỏ lửa 1972. Đến ngày 10/ 8/1972, phong trào cách mạng xã Nhơn Thành chịu thêm một tổn thất lớn là Phó bí thư chi bộ Nguyễn Thị Loan đã anh dũng hy sinh, mới vừa bước sang tuổi 19, cái tuổi tràn đầy nhiệt huyết và sức sống.
Có nỗi đau nào hơn nỗi đau của mẹ Thu mất người con gái duy nhất, khi đi kháng chiến chưa có chồng con, nên mẹ cũng mất luôn cháu ngoại. Bao nhiêu năm vò võ chờ chồng, nuôi con gái cưng khôn lớn chưa kịp mừng thì con đã đi xa, để lại mình mẹ chịu đựng cảnh o ép của kẻ thù, liên tục vào tù ra tội. Sức khỏe mẹ sa sút hẳn, nhưng bản lĩnh người mẹ, người vợ, một cơ sở cách mạng kiên trung đã giúp mẹ Thu vượt qua nỗi đau xé ruột xé gan, nuốt nước mắt vào trong, tiếp tục hoạt động cho đến ngày sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc giành toàn thắng.
Hơn 20 năm chống Bắc, vợ Nam, đến ngày hòa bình, lẽ ra vợ chồng được gặp nhau và sống hạnh phúc quãng đời còn lại, nhưng mẹ Đặng Thị Thu lại chịu thêm nỗi đau nữa là khi chồng cùng bầu đoàn thê tử từ thành phố Hải Phòng về lại quê nhà, chồng còn đó nhưng không còn là riêng của mẹ, mẹ Thu lại phải tiếp tục sống cô đơn.
Gác lại nỗi đau mất mát riêng, mẹ Đặng Thị Thu lao vào công việc xây dựng và tái thiết quê hương. Ngày 31/12/1976, mẹ được kết nạp vào Đảng, và được bầu vào Hội đồng nhân dân xã khoá đấu tiên sau giải phóng. Từ năm 1976 đến 1979 mẹ được Hội đồng nhân dân tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhơn Thành.
Khi nhà nước bắt đầu thực hiện chính khen thưởng đối với người có công cách mạng, mẹ Đặng Thị Thu là một trong những người có công được phong tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất sớm nhất, rồi Huân chương Độc lập hạng ba. Năm 1994, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước: Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đợt đầu tiên. Đến năm 1996, Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Thu đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 72 tuổi, bà con tộc họ và làng xóm ai cũng tiếc thương.
Tác giả bài viết: Chính Đức