Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số

Thứ tư - 12/07/2023 10:33 159 0
Chiều 12/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06; các thành viên Ủy ban quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc các bộ, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh và Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đại diện một số doanh nghiệp. Cùng dự Hội nghị, về phía Bộ TT&TT, có Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cùng đại diện lãnh đạo một số Cục, Vụ liên quan.

Kết quả nổi bật của chuyển đổi số quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2023

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã trình bày Báo cáo sơ kết về chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian số, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số, giải quyết các “điểm nghẽn”, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam (đã ban hành: 01 Luật, 01 Nghị định, 02 Chỉ thị, 01 Công điện, 07 Nghị quyết, 11 Thông báo kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ).

Về hạ tầng số:

Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 93,31 Mbps, tăng 29,98% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 42 và cao hơn trung bình  thế giới là 79,28 Mbps.

Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 47,27 Mbps, tăng 33,95% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 47 và cao hơn trung bình thế giới  là 42,3 Mbps.

Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được  2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn  2021-2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022-2023.

Việt Nam có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, 43 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc, với tổng số 571 nghìn máy chủ, 54,7 triệu lõi vật lý.

20230712 pg1 BT

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: "Chuyển đổi số nhằm tạo ra những giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp"

Về nhân lực số:

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung 5 mã ngành mới vào chương trình đào tạo đại học, sau đại học gồm: Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân  tạo, Kinh tế số, Công nghệ giáo dục và Công nghệ tài chính.

Số lượng tuyển sinh đào tạo kỹ sư, cử nhân về máy tính và công nghệ thông tin năm 2022 đạt 70.000, tăng 16% so với năm 2021.  

Về chính phủ số, với trọng tâm là dữ liệu và dịch vụ công trực tuyến, đã có những chuyển biến rõ rệt. 

Đề án 06, mũi đột phá của chuyển đổi số quốc gia, là hạt nhân thúc đẩy cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu, nâng cao chất lượng 53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, cấp trên 45 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân.

Cổng dịch vụ công quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2023 có 3,6 triệu tài khoản đăng ký mới, nâng tổng số tài khoản lũy kế là 7,7 triệu, ghi nhận hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,39 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương có sự thay đổi đột phá, ví dụ, tháng 6/2023, Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 02 dự án đầu tư của doanh nghiệp có tổng mức vốn đầu tư gần 250 triệu USD chỉ trong 12 giờ làm việc, rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định. 

20230712 pg1 TTNHD

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số trình bày Báo cáo sơ kết về chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023.

Bộ Nội vụ, với việc triển khai  thần tốc Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, đến hết 30/6/2023 đã cơ bản hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với trên 95% các cơ quan, đơn vị.  

Trong 6 tháng đầu năm 2023, trung bình có 18 giao dịch/1 giây, 1,59 triệu  giao dịch/ 1 ngày qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); 57 giao  dịch/ 1 giây; 5,01 triệu giao dịch/ 1 ngày qua hệ thống giám sát, đo lường dịch vụ chính phủ số của Bộ TT&TT.  

Về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong GDP trong 6 tháng đầu  năm 2023 đạt khoảng 14,96%, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao ở mức 21% so với cùng kỳ năm 2022.  

Theo Báo cáo thường niên kinh tế số e-Connomy SEA do Google và Temasek,  tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 là 28%,  dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2022 có hơn 1.400 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so  với năm 2021.

Tổng số lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với  cùng kỳ năm 2022. 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng hàng tháng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022. 

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 của các Bộ ngành, địa phương và kết quả khảo sát, giám sát, đo lường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, tỉnh.

Chuyển đổi số nhằm tạo ra những giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai chuyển đổi quan trọng nhất để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045. Đó là vì chuyển đổi số là nền tảng của nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và có sức chống chịu cao.

20230712 pg1 tc1

Toàn cảnh Hội nghị

Về những kết quả đã đạt được trong một phần hai chặng đường của nhiệm kỳ XIII, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nhận thức về chuyển đổi số đã đến được mọi cấp chính quyền và người dân. Thể chế số đã cơ bản được hoàn thiện. Nhiều luật, nghị định, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số đã được ban hành. 

Hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu, hạ tầng thiết yếu của quốc gia được đặc biệt chú trọng phát triển. Các cơ sở dữ liệu quốc gia được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả. An toàn an ninh mạng được coi là điều kiện cần để thực hiện chuyển đổi số. Đào tạo số bao gồm đại học số, cao đẳng dạy nghề số, đào tạo kỹ năng số online cho người dân là lời giải cho nhân lực số của Việt Nam. 

6 tháng còn lại của năm 2023 và hai năm rưỡi còn lại của nhiệm kỳ này sẽ tập trung tạo ra những giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và cho hệ thống chính quyền các cấp.

Chuyển đổi số phải đặc biệt coi trọng sự phổ cập. Muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải đi đều hai chân. Một là phổ cập nhanh cái cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung. Hai là đi nhanh với cái mới thông qua một số đầu tầu. Từ cái mới đã được các đầu tầu triển khai thành công nhanh chóng biến thành cái cơ bản để phổ cập. Từ đầu tàu mà không dẫn đến phổ cập thì không tạo ra sự thay đổi, sự chuyển đổi và sẽ không có chuyển đổi số. Đây là công việc quan trọng của quản lý nhà nước. 

Năm 2023 là năm thương mại hóa 5G và điện toán đám mây. 5G và điện toán đám mây là hai thành tố quan trọng bậc nhất của hạ tầng số. Cả hai loại hạ tầng này sẽ được triển khai mạnh mẽ vào năm nay. Đến năm 2025, Việt Nam có hạ tầng 5G và điện toán đám mây hiện đại thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của nền tảng số và dữ liệu. Chuyển đổi số thì phải dựa vào các nền tảng số. Trong không gian mạng, người nào nắm nền tảng số thì người đó nắm dữ  liệu và vì nắm dữ liệu nên quyết định tất cả. Bởi vậy nếu Việt Nam không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi chính từ chuyển đổi số Việt Nam lại không phải là Việt Nam. Phát triển các nền tảng số Việt Nam là lời giải chính cho chuyển đổi số Việt Nam. 

Bộ trưởng đánh giá cao tính hữu dụng của trợ lý ảo đối với công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước. Công chức nhà nước chỉ được phép làm những gì mà luật pháp quy định. Với cả một rừng các quy định, quy phạm pháp luật, trợ lý ảo sẽ giúp giảm tải, giảm rủi ro pháp lý, tăng chất lượng, tăng năng suất lao động cho công chức nhà nước. Trợ lý ảo cho hệ thống công chức nhà nước là một bước tiến lớn của chính phủ số. Với sự xuất hiện của mô hình ngôn ngữ lớn, trợ lý ảo đã đạt được sự phát triển đột phá. Việc xây dựng trợ lý ảo cho công chức, viên chức nhà nước sẽ đi cùng với sự phát triển của mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt. 

Bộ TT&TT hiện đang chủ trì hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các nền tảng trợ lý ảo này từ nay đến cuối năm để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Ngoài ra, Bộ cũng đang tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành một số chiến lược quốc gia rất quan trọng như: Chiến lược công nghiệp công nghệ số, chiến lược công nghiệp bán dẫn và chiến lược dữ liệu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Tạo đột phá hơn nữa trong chuyển đổi số

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các báo cáo và ý kiến tại Hội nghị cho thấy, một số kết quả tích cực trong chuyển đổi số quốc gia, cụ thể là trong nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là về dữ liệu, đầu tư tài chính, cơ sở vật chất và con người, tạo các dịch vụ công, tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, phục vụ sự phát triển của đất nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số; vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân trong triển khai Đề án 06; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, những kết quả tích cực này mới chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Nhiều lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm. Chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Tốc độ mạng băng rộng cố định, di động vẫn là mức trung bình khá. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến (theo tiêu chí đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, an ninh) còn thấp, chưa đạt kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Tính liên thông, chia sẻ, đồng bộ giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia còn thấp.

Nền tảng xã hội số, thương mại điện tử còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tự chủ trong chuyển đổi số quốc gia. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều. An toàn, an ninh mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên nhân và bài học, mà trước hết là vai trò của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu vào cuộc chỉ đạo quyết liệt thì ở phía dưới có sự chuyển động mạnh mẽ; phát triển hạ tầng phải đồng bộ, toàn diện, liên thông, nhanh chóng hiện đại hóa hạ tầng số; tạo động lực, cảm hứng để người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan, được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn dân, toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng nêu rõ 4 ưu tiên gồm: Ưu tiên phát triển dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" (dữ liệu là tài nguyên), ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn; ưu tiên phát triển các nền tảng (nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia); ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Thủ tướng nhấn mạnh: Xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số phải là một nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Kinh tế số là động lực quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam. Xã hội số là một trong những nền tảng của xã hội Việt Nam. Văn hóa số là một phần quan trọng của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. 

Các cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới, là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các Bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư. Việc hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia do Bộ Công an chủ trì xây dựng là một giải pháp quan trọng thúc đẩy hình thành, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia trong tương lai.

Tại Hội nghị, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể và thời hạn hoàn thành cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc hoàn thiện thể chế, môi trường chính sách, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, quyết tâm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm an ninh an toàn các hệ thống thông tin.

Tác giả bài viết: Theo mic.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây