Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự và chủ trì Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Tại điểm cầu Bình Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang dự và chủ trì Hội nghị. Hội nghị còn kết nối trực tuyến đến 11 huyện, thị xã, thành phố và 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tóm tắt kết quả triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) năm 2022, Công tác chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND địa phương thực hiện quyết liệt. Về công tác hoàn thiện thể chế: đã hoàn thành xây dựng 04 Nghị định của Chính phủ; 02 Thông tư của Bộ Công an; 03 Thông tư của Bộ Tài chính quy định các nội dung liên quan đến thực hiện Đề án 06, nhất là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dẫn trên môi trường điện tử, một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao (như xác nhận Chứng minh nhân dân 9 số tỷ lệ 100%; thông bảo lưu trú 98,3%; thủ tục làm con dấu mới 90,8%; đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến đạt 93,1%, cấp hộ chiếu 62%....); hoàn thành 8/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg, ngày 4/4/2022 của Chính phủ. Riêng ngành Công an đã cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, nhiều nội dung rất thiết thực được người dân đón nhận (cấp hộ chiếu, đăng ký xe, các thủ tục về cư trú...).
Bước đầu triển khai kết nối dữ liệu góp phần làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng, để kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư; cung cấp 08 sản phẩm dữ liệu dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhất là các sản phẩm xác thực dữ liệu, danh tính, thông tin công dân và các báo cáo thống kê, phân tích, dự báo. Ứng dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế (tiết kiệm tiền in thẻ BHYT giấy 24,7 tỷ đồng so với năm 2021); tích hợp thông tin thẻ ATM phục vụ rút tiền (tiết kiệm chi phí in thẻ cho các tổ chức ngân hàng khoảng 50.000 đồng/thẻ), bảo đảm xác thực đảm bảo chính xác danh tính, phòng chống rủi ro, gian lận; đẩy mạnh các ứng dụng phục vụ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt...
Theo báo cáo Kết quả triển khai chuyển đổi số năm 2022, trong 12 chỉ tiêu đặt ra tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022, đến hết năm 2022 có 9 chỉ tiêu hoàn thành. Trong đó, các ngành Tài chính, Ngân hàng mỗi ngành đóng góp 1 chỉ tiêu, ngành Công Thương đóng góp 2 chỉ tiêu và ngành Thông tin và Truyền thông đóng góp 5 chỉ tiêu (trong đó 01 chỉ tiêu có sự đóng góp chung của lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư). Trong 3 chỉ tiêu chưa hoàn thành có 01 chỉ tiêu gần hoàn thành, 02 chỉ tiêu còn lại cần sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương để đạt được trong năm 2023.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bình Định
Tại Bình Định, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Theo đó, các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện hoàn thành các nội dung nhiệm vụ theo tiến độ đề ra của Đề án 06, trong đó tập trung thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 như: tham gia góp ý hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến dân cư; rà soát, bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để triển khai các dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp; rà soát, đầu tư hạ tầng, đường truyền, trang thiết bị số hóa hồ sơ phục vụ giải quyết TTHC; phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ 05 nhóm tiện ích.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Bình Định - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã chủ động tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình đã đề ra. Công tác thông tin và tuyên truyền về nội dung của Đề án 06 được tổ chức với nhiều hình thức, đa dạng, phong phú về nội dung, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng để tạo sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với các báo cáo, ý kiến, đồng thời biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế, cần cố gắng hơn nữa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2023 là "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới", dứt khoát phải xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh về nhiệm vụ trọng tâm, theo đó, đối với các bộ, ngành, địa phương: tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện các nhiệm vụ đối với các nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội./.
Tác giả bài viết: VP
Ý kiến bạn đọc