Theo đó, các tuyến phố văn minh đô thị phải đảm bảo 4 tiêu chí về kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường và tiêu chí về trật tự đô thị và an toàn giao thông. Trong 4 tiêu chí, có 21 quy định thang điểm chi tiết từng nội dung. Cụ thể như: Trên tuyến phố không có trường hợp xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa không phép hoặc trái phép; Trụ sở cơ quan, công trình công cộng và nhà ở dọc tuyến không cơi nới, lấn chiếm ảnh hưởng kiến trúc cảnh quan dọc tuyến đường; Có kẻ vạch sơn phân biệt lối đi bộ và các khu chức năng trên vỉa hè như khu vực để xe, khu vực buôn bán, lối đi dành cho người khuyết tật; Không để vật liệu xây dựng, chậu cây cảnh, vật kiến trúc và các vật khác lấn chiếm vỉa hè; Bề rộng vỉa hè mỗi bên bằng hoặc lớn hơn 3m, được cứng hóa bằng các vật liệu hoàn thiện đảm bảo bằng phẳng, sử dụng an toàn. Vỉa hè có bố trí lối đi cho người khuyết tật. Hệ thống điện, thông tin liên lạc được bố trí ngầm. Không hình thành bãi trung chuyển rác thải tự phát dọc tuyến phố. Không có hiện tượng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông mà không được phép của cấp có thẩm quyền. Không có biển hiệu quảng cáo trái phép, không dán quảng cáo trên tường nhà, cây xanh, trụ điện và vật kiến trúc khác trái phép, sai quy định…
Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chủ trì, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ hàng năm rà soát, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Quy định này; kịp thời xem xét, giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thành lập Tổ thẩm định để đánh giá tiêu chí công nhận tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn quản lý. Việc đánh giá tuyến phố văn minh đô thị được thực hiện bằng phương pháp tính điểm, điểm đánh giá là tổng số điểm đạt được của các tiêu chí. Tuyến phố văn minh đô thị đủ điều kiện được công nhận khi tổng số điểm các tiêu chí đạt từ 75 điểm trở lên. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2023.