Cả hai vợ chồng đều sớm giác ngộ cách mạng, hăng hái tham gia khởi nghĩa giành chính quyền mùa Thu năm Ất Dậu- 1945, cụ ông tham gia chính quyền cách mạng, cụ bà vào hội đoàn thể cứu quốc, cùng với nhân dân xây dựng làng xã chiến đấu, bảo vệ vùng tự do, chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần nữa.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hiệp định Giơnèvơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký lết, nhưng còn đó nỗi đau đất nước ta bị chia cắt. Cụ ông Lê Đắc Vinh là cán bộ, đảng viên có danh sách đi tập kết ra miền Bắc, nhưng bị đau nặng nên ở lại miền Nam, cùng vợ tham gia cơ sở bí mật hoạt động hợp pháp.
Vợ chồng cụ Lê Đắc Vinh và Nguyễn Thị Xuân cùng bao cán bộ kháng chiến, đảng viên cũ, gia đình có người thân đi tập kết và những người yêu nước bị đối phương trả thù hèn hạ. Vì sự tra tấn, hành hạ, khủng bố dã man của chính quyền Sài Gòn nên cụ ông bị đau ốm liên miên, đã qua đời năm 1963, khi phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ, chuẩn bị mở chiến dịch Đồng khởi.
Chồng chết, mẹ Nguyễn Thị Xuân mới 30 tuổi, vẫn ở vậy, tảo tần nuôi bốn người con ăn học, trưởng thành. Người con trai thứ là Lê Văn Viễn đang học trung học ở quận lỵ đã tham gia tổ chức bí mật trong Liên chi đoàn Trần Văn Ơn, hoạt động nội thành, nội thị. Lê Văn Viễn rất nhanh nhẹn, năng nổ, mẹ bảo cưới vợ nhưng anh chưa chịu vì còn trẻ, lập gia đình sớm sẽ vướng chân khó hoạt động. Năm 1971 Viễn bị lộ, nên thoát ly gia đình tham gia đội vũ trang công tác xã Nhơn Lộc, khi chiến dịch Xuân- Hè năm 1972 mở ra, địch ra sức phản kích, Lê Văn Viễn bị thương nặng và đã anh dũng hy sinh vào ngày 25/4/1972, tại đình Cù Lâm Bắc, xã Nhơn Lộc ngay trên quê hương anh, mới bước sang tuổi 21, cái tuổi tràn đầy sức sống, đầy ước mơ và hy vọng.
Lê Văn Viễn hy sinh, mẹ Xuân chưa vơi nỗi đau buồn, thì người con trai cả là Lê Văn Vĩnh đang hoạt động hợp pháp trong xã, năn nỉ xin mẹ và chia tay người vợ mới sinh đứa con gái đầu lòng vừa được một ngày tuổi, tiếp tục thoát ly đánh giặc trả thù cho em và đồng đội, đồng chí và đồng bào bị giặc giết hại.
Biết gia đình mẹ Xuân có hai người con trai, đã hy sinh một người, năm 1972 Huyện ủy An Nhơn gửi Lê Văn Vĩnh lên căn cứ tỉnh ở Hoài Ân đào tạo cán bộ nông nghiệp, để khi hòa bình lập lại trở về phục vụ cho quê hương. Hiệp định Paris vừa được ký kết, đối phương dồn sức thực hiện kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, ra sức càn quét vùng ta làm chủ, cắm cờ, lấn đất, giành dân, gây thêm nhiều tội ác đối với cách mạng và nhân dân, có lúc phong trào cách mạng còn bị tổn thất nhiều hơn khi quân Mỹ và chư hầu còn tham chiến ở miền Nam.
Không thể ngồi yên ở hậu cứ để học tập, Lê Văn Vĩnh đã tình nguyện xung phong ra phía trước, bổ sung vào tiểu đoàn 56 bộ binh thuộc Tỉnh đội Bình Định, cùng đồng đội chiến đấu, giữ chốt, cắm cở Mặt trận Giải phóng, chống địch nống chiếm cứ điểm Núi Bằng Đầu, thôn Vạn Hạnh, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ và đã anh dũng hy sinh vào ngày 2/3/1973, khi mới vừa tròn 23 tuổi đời, chỉ còn hơn năm nữa là quê hương Nhơn Lôc và cả miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, người con trai thứ hy sinh chưa cúng giáp năm, nước mắt chưa mẹ chưa khô, thì mẹ Nguyễn Thị Xuân nhận tiếp hung tin người con trai cũng ra đi mãi mãi. Hai núm ruột rứt ra, hai người con mang tên Vĩnh- Viễn đã vĩnh viễn không còn. Mẹ như người mất hồn, bỏ ăn bỏ uống, vật vã, thẩn thờ cả tháng trời, nhờ có hai người con gái và bà con cơ sở thường xuyên gần gũi, chăm sóc mẹ qua cơn sốc quá lớn. Khi ấy mẹ mới ngoài 40 tuổi.
Mẹ Nguyễn Thị Xuân là một trong những cơ sở, cốt cán, kiên trung của xã Nhơn Lộc, được kết nạp Đảng từ năm 1967, là đảng viên hợp pháp rất sớm và rất hiếm của xã và huyện ở thời điểm này. Với tinh thần đảng viên, mẹ Xuân cố nén đau thương mất mát, nuốt nước mắt vào trong, tiếp tục hoạt động cơ sở cách mạng, đóng góp tiền của, công sức và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Vượt qua bao hiểm nguy, địch theo dõi, lùng sục, bắt bớ tù đày, mẹ là người phụ nữ mưu trí, gan dạ nhưng mềm dẻo, nói năng trôi chảy có sức thuyết phục, nên bao phen qua mắt kẻ thù, lập nhiều chiến công thầm lặng đối với phong trào cách mạng của xã Nhơn Lộc và khu Nam huyện An Nhơn.
Nhà mẹ Xuân là đầu mối mạng lưới cơ sở khu Nam, trạm giao liên giữa căn cứ An Trường và đồng bằng. Đêm đêm, cán bộ và bộ đội từ căn cứ bám ra đồng bằng và từ đồng bằng vào căn cứ đều nhận tin tức từ gia đình mẹ. Cứ chiều lại là mẹ đội nón dạo quanh xóm trong, xóm ngoài, xuống đến ngả tư Quán Cai Ba rồi quành lên chợ Gò Sơn, giả vờ đi thăm bà con hoặc thăm ruộng, thuê người làm nương rẫy…gặp cơ sở đã được phân công trước để nắm tình hình lính Nam Triều, bảo an, dân vệ có đi phục kích không, để cung cấp thông tin cho cán bộ, bộ đội và anh em đội vũ trang công tác, nhờ vậy mà ta hoạt động thuận lợi, hạn chế tổn thất.
Ban đêm, nếu có địch thì mẹ tắt đèn trong nhà, hôm nào an toàn mẹ thắp ngọn đèn dầu bên cửa sổ mở hé, làm tín hiệu. Có nhiều đêm lính Nam Triều Tiên phục kích liên tục, cán bộ, bộ đội và du kích đứt liên lạc, mẹ sốt ruột, trằn trọc không ngủ, có đêm nghe súng nổ, mẹ càng bồn chồn lo lắng. Sáng ra, phân công cơ sở vào bìa rừng giả đi lấy củi, hái rau tìm cách nắm tin tức anh em đằng mình. Mẹ Xuân còn là nòng cốt của lực lượng đấu tranh chính trị, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh với lính Mỹ, Nam Triều Tiên, bảo an và chính quyền địa phương, buộc địch phải chấp nhận yêu sách, chôn cấp người bị hại và bồi thường thõa đáng cho gia đình, khi chúng dã tâm giết hại dân thường vào những năm 1971- 1972.
Sau ngày quê hương Nhơn Lộc và cả miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, hòa vào niềm vui chung của cả dân tộc, nhưng mẹ Nguyễn Thị Xuân chịu nỗi buồn riêng vì cả hai người con trai hy sinh, mẹ sống âm thầm trong đau khổ. Năm 2017, mẹ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước: Mẹ Việt Nam Anh hùng, cũng là năm mẹ nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Vì tuổi già, sức yếu và vì những đòn thù tra tấn, như ngọn đèn hết dầu, trái tim mẹ đã ngừng đập, thanh thản đi xa vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 7/7/2023, nhằm ngày 20 tháng 5- Quý Mão, chỉ còn 20 ngày nữa là kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh- Liệt sỹ, tròn 95 tuổi đời và 57 năm tuổi Đảng. Tháng Bảy tri ân, người viết bài này, từng được mẹ bảo bọc, giúp đỡ trong kháng chiến xin dâng nén tâm hương lên hương linh Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuân, mà bà con cơ sở và anh em cán bộ, chiến sỹ thường gọi cái tên thân thương: Mẹ Liễu kính yêu./.