Với quan điểm: Chủ nghĩa xã hội là mọi quyền lực trong xã hội đều tập trung trong tay Nhân dân; Nhân dân là người quyết định vận mệnh cũng như sự phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ “làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ...”. Vậy nên, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đều dành sự quan tâm đặc biệt đối với sức khỏe Nhân dân và quan tâm đến ngành y tế nước nhà, đặc biệt là đội ngũ cán bộ thầy thuốc. Người dặn rằng: “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân... nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Bên cạnh đó, Người cũng đã kêu gọi đồng bào: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt. Mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe… Vậy nên, luyện tập thể dục, bồi bổ, giữ gìn sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được… Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”.
Đã gần 70 năm trôi qua, nhưng lời dạy của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị: “Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”. Người thầy thuốc mà Bác đã gửi gắm mang trên mình trọng trách lớn lao và hết sức vẻ vang, là người hết lòng yêu thương, tận tình chăm sóc, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của bệnh nhân, giúp họ vượt qua những đau đớn của bệnh tật như chính bản thân mình vượt qua những đau đớn đó.
Không phải ngẫu nhiên, trong xã hội chỉ có hai loại nghề được người ta gọi là thầy: thầy giáo và thầy thuốc. Và có lẽ, trong nhiều ngành nghề thì nghề thầy thuốc là một trong những nghề thể hiện rõ rệt nhất tính nhân đức. Bên cạnh tài nǎng là một phẩm chất cần thiết, cần nắm vững chuyên môn để phát hiện đúng bệnh và chữa được khỏi bệnh thì cần phải có 1 tấm lòng “từ mẫu” để chăm sóc bệnh nhân. Hai mặt đức - tài có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Người thầy thuốc giỏi là người vừa có tài, vừa có đức.
Ngoài ra, vấn đề đoàn kết cũng được Người hết sức quan tâm: "Trước hết là phải thật thà đoàn kết - đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khǎn, giành được nhiều thành tích". Đoàn kết trong y đức, trong ngành y tế đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là vì sức khỏe con người; là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh y đức hội tụ các yếu tố như lòng yêu thương người bệnh, biết đoàn kết với đồng nghiệp, sự say mê nghề nghiệp, có tinh thần tích cực học hỏi trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đó mới đúng là người thầy thuốc cách mạng vừa hồng vừa chuyên.
Từ tư tưởng sâu sắc, nhân văn của Người, Đảng và Nhà nước ta đã cụ thể hoá bằng nhiều chính sách ý nghĩa định hướng cho sự phát triển một nền y học Việt Nam tiên tiến hiện đại; đồng thời đề ra những biện pháp cụ thể, thiết thực trong công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Đánh dấu kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2024), mỗi chúng ta, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế thấm nhuần hơn tư tưởng của Bác về y đức, để những hình ảnh của người thầy thuốc đẹp mãi trong lòng Nhân dân, tự hào với truyền thống vẻ vang của ngành y, xứng đáng với vẻ đẹp trong sáng và nhân văn của những chiến sỹ khoác áo blouse trắng trên mặt trận chữa bệnh, cứu người.