Thật xúc động và cũng thật tự hào khi nghe một chị trong Đoàn văn công hô bài chòi, bài “Người con gái An Nhơn”. Vui biết bao khi chị ấy hát đến câu:
“Em là con gái An Nhơn
Lớn lên như ngọn lúa non giữa đồng ..”
Sau này, có thời gian tôi mới tìm hiểu bài ca này. Số là đầu năm 1969, tỉnh Bình Định đã tổ chức Đại hội thi đua nhằm tổng kết phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”.
Đoàn đại biểu của huyện An Nhơn có chị Nga, tổ trưởng tổ du kích mật xã Nhơn An đi dự Đại hội. Chị Nga đã báo cáo những việc làm cụ thể, về sự mưu trí, dũng cảm, táo bạo đánh địch đã làm cho địch hoang mang, rệu rã. Báo cáo điển hình của chị Nga đã được Đại hội hoan nghênh.
Hôm sau, vào giờ giải lao, anh Thu Hoài và anh Xuân Phước - các anh đều công tác ở Ban Tuyên huấn tỉnh - gặp Đoàn đại biểu của huyện An Nhơn đọc bài thơ “Người con gái An Nhơn”. Hai anh hỏi ý kiến của Đoàn có gì thêm hoặc bớt. Các anh chị trong Đoàn rất vui mừng và cũng thật lòng nói với các anh là từ hồi nào tới giờ chỉ có nghĩ cách để đánh địch, chứ có biết gì về thơ ca đâu mà tham gia.
Chị Nga xúc động ứa nước mắt khi nghe đến đoạn:
Nhà em giặc đốt cháy rồi
Mẹ cha giặc giết thân phơi giữa đường
Giặc lùa em đến ấp phường
Bơ vơ ngày tháng dựa nương bạn nghèo ...
Và rồi:
Kiếm ăn qua bữa, đêm nằm
Nhớ bao cô, chú đằm đằm lệ rơi
Gặp rồi, em gái nhận lời
Thề giết được giặc giữa nơi thị thành.
Thật tự hào khi bài thơ kết thúc bằng hình ảnh khá đẹp:
Chiến công em một vì sao
Tấm gương dũng sĩ má đào An Nhơn
Bài thơ, bài ca “Người con gái An Nhơn” – một bài thơ lục bác dài mấy chục câu, được chuyển thành dân ca bài chòi đã đi vào lòng người, củng cố niềm tin và cổ vũ phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy ở huyện An Nhơn, là nguồn động viên tinh thần to lớn trong những năm khắc nghiệt của chiến tranh và đó cũng là niềm tự hào của những người Phụ nữ An Nhơn đã trải qua một chặng đường đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, hy sinh./.