Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền nhân dân được thành lập, người dân được đổi đời, từ phân phận nô lệ trở thành ngưới làm chủ vận mệnh đất nước, nhất là giai cấp nông dân như gia đình mẹ Bảy. Niềm vui hưởng độc lập tự do chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần nữa, nhân dân Nhơn An cùng toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp.
Mới 10 tuổi, người con gái Phú Đa Nguyễn Thị Bảy như chim sô lồng, tích cực tham gia hoạt động phong trào thiếu niên nhi đồng, tuổi nhỏ làm việc nhỏ,vừa đi học vừa giúp cha mẹ công việc đồng áng, gây quỹ nuôi quân, nuôi gà kháng chiến, vót chông bố phòng chống quân Pháp nhảy dù, càn quét lấn chiếm vùng tự do. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, thì Nguyễn Thị Bảy cũng đã trưởng thành, tuổi dậy thì của một thôn nữ giỏi dang, khiến bao chàng trai trong làng và các làng bên săn đón, nhờ người mai mối. Thời đó chuyện dựng vợ, gả chồng đều do cha mẹ định đoạt, con không thể “mặc áo qua khỏi đầu”, nên mẹ Bảy kết duyên với anh dân quân cùng làng, tên là Phan Quốc, lớn hơn 3 tuổi, một nông dân chân chất, cần cù, biết lo công việc gia đình nên vợ chồng mẹ đã sống với nhau hạnh phúc và sinh hạ được 3 người con.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đất nước tạm chia làm hai miền, hai vợ chồng sinh người con đầu lòng, đặt tên là Phan Văn Thanh, cũng là lúc nhân dân trong làng, trong xã cùng cả miền Nam tiễn đưa bộ đội và phần lớn cán bộ dân chính lên đường tập kết (đợt đầu) ra miền Bắc làm nhiệm vụ mới, bàn giao miền Nam cho đối phương, chờ hai năm tổng tuyển cử thống nhất hai miền. Ở miền Nam chịu sự cai trị của chế độ đọc tài Ngô Đình Diệm do Mỹ nuôi dưỡng và dựng lên, ngang nhiên xóa bỏ hiệp định đình chiến Giơnèvơ, trắng trợn tuyên bố không tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta để dễ bề thôn tính miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.
Chính quyền Sài Gòn thực hiện chính sách “Tố Cộng”, “Diệt Cộng” cực kỳ dã man, đán áp, khủng bố đẫm máu những người kháng chiến cũ, những người yêu nước đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, trong đó có gia đình hai bên của vợ chồng mẹ Nguyễn Thị Bảy và Phan Quốc. Lòng căm thù giặc càng sục sôi, càng nung nấu ý chí cách mạng của vợ chồng Phan Quốc và người dân bị áp bức, chờ thời cơ vùng lên đấu tranh lật đổ chính quyền tay sai, lập nên chính quyền cách mạng. Thời cơ ấy đã đến, đó là sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 15/TW (tháng 01 năm 1959) về chuyển hướng đấu tranh cách mạng ở miền Nam là dùng bạo lực cách mạng, cả bạo lực chính trị kết hợp với bạo lực vũ trang chống lại kẻ thủ tàn bạo. Tình hình chuyển biến nhanh chóng, năm 1963 sang năm 1964 tiếng súng của cách mạng đã nổ ra ở nhiêu nơi trong huyện, thời điẻm mở chiến dịch Đồng khởi đã chín muồi.
Giữa tháng 10 năm 1964, cấp trên quyết định chọn thôn Thuận Thái, xã Nhơn An, chỉ cách Tân Dân một cánh đồng, làm điểm nổ tiếng súng mở màn chiến dịch Đồng khởi ở khu đông An Nhơn. Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay khắp vùng chợ Rượu, quần chúng cách mạng nổi dậy phá bung hàng rào ấp chiến lược, đốt các điểm canh, lập chính quyền tự quản của cách mạng (chính quyền lâm thời). Cuối năm 1964, đầu năm 1965, xã Nhơn An và cả khu Đông cùng hơn hai phần ba địa bàn huyện An Nhơn lần lượt được giải phóng, nối liền vùng nông thôn rộng lớn trong tỉnh được giải phóng, tạo thế bao vây thành thị, quận lỵ, tỉnh lỵ.
Anh nông dân Phan Quốc- chồng mẹ Bảy là một trong những thanh niên của xã Nhơn An sớm bắt liên lạc với tổ chức, xông xáo tham gia chiến dịch Đồng khởi, trực tiếp cầm súng chiến đấu đánh địch và được giao trọng trách xã đội trưởng Nhơn An. Lực lượng du kích làm nòng cốt cho quần chúng xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, bố phòng toàn dân, đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng.
Phong trào đồng khởi nhanh chóng lan ra cả miền Nam, phát triển mạnh như thế chẻ tre, chế độ Sài Gòn đứng trước bên bờ vực sụp đổ. Để cứu vãn tình thế, từ tháng 9 năm 1965, quân Mỹ và chư hầu vội vã nhảy vào miền Nam trực tiếp tham chiến, đánh phá ác liệt, đẩy cường độ chiến tranh lên cao, gây bao tội ác đối với đồng bào ta ở cả hai miền Nam Bắc.
Vừa đặt chân đến đất Bình Định, quân Mỹ và chư hầu cùng quân đội Sài Gòn huy động tối đa lực lượng cùng với xe tăng, đạn pháo, máy bay ném bom liên tục mở hàng loạt cuộc hành quân với quy mô lớn càn quét lấn chiếm vùng giải phóng, nhất là khu Đông. Thực hiện khẩu hiệu: “đốt sạch, cướp sạch, giết sạch”, chúng biến cả vùng đất trù phú, vựa lúa Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh của huyện An Nhơn nối liền với các xã đông bắc huyện Tuy Phước, đông nam huyện Phù Cát thành vùng trắng, không còn mét vuông đất nào là không có bom rơi đạn nổ, ruộng đất hoang hóa, nhà cửa cháy rụi, xóm làng xác xơ. Người dân vốn sinh sống bằng thửa ruộng, mảnh vườn nhưng bị bắt ép vào sống trong các khu dồn quanh chi khu, quận lỵ, hòng tách dân ra khỏi cách mạng, mà chúng gọi là “tát nước để bắt cá”. Nhưng chúng đâu ngờ, nơi nào có dân là nơi đó có cách mạng, mạng lưới cơ sở hợp pháp được hình thành ngay trong các khu dồn giữa bốn bề quân canh lính gác, trong đó có mẹ Nguyễn Thị Bảy.
Nghe ngóng hôm nào không có lính càn xuống khu Đông là mẹ Bảy cùng với một số bà con cơ sở ở khu đồn tìm cách giấu trong người hoặc lon gô cơm một ít thuốc Tây và một số đồ dùng cần thiết gọn nhẹ, đi hợp pháp về vùng giải phóng hái rau, lấy củi, cắt cỏ để gặp gỡ, cung cấp tình hình và gửi đồ dùng cho anh em cán bộ, bộ đội, trong đó có chồng con mình. Nhờ thế mà cán bộ, bộ đội, du kích nắm được tình hình, dần tiếp cận và thâm nhập bám vào các khu dồn hoạt động ngay trong lòng địch.
Thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ “tìm diệt” và “bình định”, kẻ thù đã biến khu Đông thành chảo lửa đạn bom, nhằm hủy diệt sự sống. Địa bàn Nhơn An là cửa ngõ của chiến trường khu Đông ác liệt, Xã đội trưởng Phan Quốc chỉ huy anh em du kích Nhơn An phối hợp với bộ đội và lực lượng các xã liên tục bám trụ, chiến đấu chống quân Mỹ, quân Nam Triều Tiên và quân đội Sài Gòn càn quét vùng giải phóng, lập nhiều chiến công. Nhưng đến ngày 9 tháng 4 năm 1967, trong một trận chống càn không cân sức giữa lực lượng du kích với quân đánh thuê Nam Triều Tiên đông hơn nhiều lần, Xã đội trưởng Phan Quốc đã anh dũng hy sinh trong sự tiết thương của đồng đội và bà con cơ sở, lúc ấy ông vừa tròn 35 tuổi.
Ở khu dồn, mẹ Bảy mới vừa nhận hung tin chồng hy sinh, thì người con trai đầu là Phan Văn Thanh đã một mực xin mẹ thoát ly gia đình, gia nhập lực lượng vũ trang huyện, trực tiếp cầm súng chiến đấu để trả thù cho cha và đồng bào bị giặc giết hại. Chiến dịch Xuân- Hè 1972 vừa mở ra, ngày 12 tháng 4 năm 1972 chiến sỹ Phan Văn Thanh đã anh dũng hy ở Kiêm Tài (Nhơn Phong) trong một trận anh cùng đại đội 1 thuộc lực lượng vũ trang huyện chống quân địch phản kích, nống lấn vùng giải phóng khu Đông, vừa tròn 18 tuổi.
Nỗi đau vì chồng và người con trai lớn hy chưa nguôi, thì người con trai thứ của mẹ Bảy là Phan Văn Nhàn cũng chia tay mẹ tiếp bước cha anh tham gia đội vũ trang công tác xã, sau đó vào bộ đội huyện chiến đấu rất ngoan cường, cùng đồng đội lập nhiều chiến công. Dù đối phương hiếu chiến, ngoan cố, lật lọng nhưng đến cuối năm 1972, thế và lực trên chiến trường đã nghiêng hẳn về phía cách mạng, buộc đối phương phải ký Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam, quân Mỹ và đồng minh đơn phương rút về nước, cánh cửa hòa bình đã hé mở, nhân dân ai cũng mừng rỡ, trông mong kết thúc chiến tranh để không còn phải đổ máu. Thế nhưng, chính quyền Sài Gòn trắng trợn vi phạm hiệp định vừa ký chưa ráo mực, rắp tâm thực hiện kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, huy động tối đa binh lực xua quân càn quét cắm cờ, lấn đất, giành dân vùng cách mạng làm chủ.
Càng gần đến ngày kết thúc chiến tranh, chiến sự càng ác liệt, địch lấn chiếm cắm cờ lấn đất, ta đánh trả nhổ cờ của chúng, cắm cờ cách mạng, cứ thế hai bên giằng co quyết liệt. Trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu chống quân địch lấn chiếm giành dân, thì ngày 6 tháng 4 năm 1974, chiến sỹ Phan Văn Nhàn đã anh dũng hy sinh ở vùng giải phóng Nhơn Hạnh, cũng vửa bước sang tuổi 18, chỉ còn một năm nữa là quê hương An Nhơn- Bình Định và cả miền Nam sạch bóng quân thù, đất nước ca khúc khải hoàn.
Chồng và hai người con của mẹ Nguyễn Thị Bảy hy sinh nhưng mẹ không nhìn thấy mặt, nỗi đau chồng chất nỗi nỗi đau, mất mát liên tiếp mất mát. Hai người con trai của mẹ khi thoát ly gia đình đi kháng chiến tuổi đời còn quá trẻ, chưa người nào có vợ con, nên mẹ hy sinh con trai cũng có nghĩa là hy sinh luôn cả cháu nội.
Chiến dịch lịch sử mùa Xuân 1975 đại thắng, đất nước hòa bình, thống nhất, mẹ Nguyễn Thị Bảy và bà con các xã khu Đông từ các khu dồn về lại làng cũ, cùng giúp nhau dựng lại nhà cửa tạm bợ bằng tranh tre, bắt đầu cuộc sống mới. Việc đầu tiên là mẹ lập bàn thờ chồng và hai người con liệt sỹ, hàng ngày chăm lo hương khói, mẹ và người con trai út Phan Văn Lạc mới hơn 10 tuổi ngày qua ngày quây quần bên nhau.
Tuổi đời mẹ Nguyễn Thị Bảy còn trẻ so với nhiều người vợ, người mẹ liêt sỹ khác trong xã nhưng già hơn trước tuổi, bởi sự hy sinh mất mát quá lớn. Khi nhà nước bắt đầu thực hiện chính sách đối với người có công, mẹ là một trong những người được nhận Huân chương kháng chiến hạng nhất đợt đầu tiên và được trao tặng danh hiệu nhà nước cao quý Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng sớm nhất. Sang năm mới Nhâm Dần- 2022, mẹ Nguyễn Thị Bảy đã bước sang tuổi 87, xin cầu mong mẹ mạnh khỏe, sống lâu.
Nguồn tin: Chính Đức
Ý kiến bạn đọc