Thị xã An Nhơnhttps://annhon.binhdinh.gov.vn/uploads/logoannhon.png
Thứ ba - 05/04/2022 16:191.2080
Nằm cách TP Quy Nhơn khoảng 20 km, TX An Nhơn xưa từng là kinh đô của vương quốc Champa và vương triều của Hoàng đế Thái Ðức Nguyễn Nhạc, lưu dấu nhiều di tích lịch sử, văn hóa để du khách tham quan trải nghiệm, khám phá. Thành cổ Đồ Bàn hay về sau là thành Hoàng Đế nằm ở địa phận xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá là điểm đến đầu tiên bạn nên ghé khi về An Nhơn.
Đồ Bàn từng là kinh đô của vương triều Champa từ thế kỷ XI-XV. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông chiếm Vijaya (Bình Định ngày nay), sát nhập vùng đất này vào Đại Việt, lập đạo Quảng Nam thừa tuyên. Đồ Bàn cũng như vương quốc Vijaya biến mất khỏi lịch sử. Đến năm 1776, Nguyễn Nhạc - người anh cả của Tây Sơn tam kiệt xưng Đế, ngài cho tu sửa, mở rộng kinh thành cũ, xây dựng thêm cung điện, đóng đô ngay trên kinh thành xưa và đặt tên mới là thành Hoàng Đế. Sau khi thắng được triều Tây Sơn và lên ngôi vua, Nguyễn Ánh (vua Gia Long) ra lệnh phá hủy thành Hoàng Đế, chuyển thủ phủ nhà Nguyễn về Quy Nhơn vào năm 1816. Trải qua bao biến động của lịch sử, những gì có thể hình dung về thành Hoàng Đế xưa tuy rất ít, nhưng đến đây, du khách vẫn có thể tham quan trung tâm thành Hoàng Đế là Tử Cấm Thành có lăng thờ Song Trung - là nơi thờ hai viên tướng nhà Nguyễn là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, tượng đôi nghê đá, sư tử đá, tượng đôi voi đá của Champa, cùng một số di tích được khai quật tại đây, như hồ bán nguyệt, nền hậu cung, giếng vuông, tường đá ong… của kiến trúc tòa thành cũ.
Tháp Cánh Tiên với vẻ đẹp nguy nga của ngôi cổ tháp Champa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tháp Cánh Tiên là một tuyệt tác kiến trúc của Champa, cách Tử Cấm Thành chỉ chừng vài trăm mét, nên bạn dễ dàng chiêm ngưỡng, ghi lại những tấm ảnh đẹp bên ngôi cổ tháp. Tháp Cánh Tiên là một ngôi tháp Champa xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII nằm trên đỉnh một quả đồi thấp với kiến trúc nguy nga. Trên thân tháp có những cột ốp, các vòm vút cao lên như hình những mũi giáo khổng lồ, những phiến đá trang trí các góc tường hình lá phía trên các tầng tháp nhô ra như những cánh tiên. Nhìn từ xa, tháp Cánh Tiên trông như một ngọn đuốc khổng lồ đang lung linh tỏa sáng. Cũng gần bên tháp Cánh Tiên, nằm cách thành Hoàng Đế không xa về phía Bắc là chùa Thập Tháp (tên chữ: Thập Tháp Di Đà Tự) được xây dựng từ thế kỷ XVII, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1990. Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) chép về chùa Thập Tháp, như sau: “Chùa Thập Tháp ở thôn Thuận Chính, huyện Tuy Viễn, vì phía sau chùa có 10 ngọn tháp Chiêm Thành nên gọi tên thế, những tháp ấy nay đã đổ nát. Năm Quý Hợi, Thái Tông thứ 36 (Lê Chính Hòa thứ 4 - năm 1683), nhà sư Trung Quốc là Bích Hoán hòa thượng dựng. Năm Tân Mùi, Hiển Tông thứ nhất (Lê Chính Hòa thứ 12 - năm 1691) ban cho biển ngạch đề Thập Tháp Di đà tự và một câu đối nay vẫn còn. Năm Minh Mạng thứ nhất, sư chùa Thiên Mụ là Mật Hoằng hòa thượng trùng tu. Chùa này cùng chùa Linh Phong đều nổi tiếng là nơi danh thắng”.
Làng nghề bún, bánh An Thái. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Là vùng đất đóng đô của các vương triều xưa kia, nên không chỉ nổi tiếng với danh lam thắng cảnh, An Nhơn còn là vùng đất trăm nghề như bao gồm vùng kinh đô khác. Nhưng nét khác của vùng kinh đô này là ở chỗ chất giản dị đôn hậu của Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc đã tác động đến cả vương triều và những làng nghề theo đó cũng thuần phác theo. Về An Nhơn, khi đến tham quan các làng nghề truyền thống ở đây, bạn sẽ hiểu thêm về điều này. Những làng nghề bún, bánh An Thái (xã Nhơn Phúc); làng nghề rượu Bàu Đá, bánh tráng Trường Cửu (xã Nhơn Lộc); làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp, gốm Vân Sơn, bún tươi Ngãi Chánh (xã Nhơn Hậu); làng rèn Tây Phương Danh (phường Đập Đá)… gần như vẫn giữ nguyên những nét văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán đặc trưng của mình. Về An Nhơn, vùng đất của hai kinh đô, bạn sẽ hiểu hơn về bề dày văn hóa, lịch sử của vùng đất An Nhơn - Bình Định, càng khiến chuyến rong chơi của bạn thêm phần thú vị.
THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện đầu tư và công tác BTGPMB các công trình, dự án trên địa bàn thị xã ngày 21/11/2024
THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, tuyến phố văn minh của các xã, phường
THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện đầu tư và công tác BTGPMB các công trình, dự án trên địa bàn thị xã ngày 08/11/2024
THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại buổi làm việc với các Chủ đầu tư Cụm công nghiệp và các cơ sở, doanh nghiệp thuê đất tại Cụm công nghiệp Tân Đức