Thị xã An Nhơn nỗ lực giảm nghèo bền vững
Thanh Minh
2023-04-02T11:54:40+07:00
2023-04-02T11:54:40+07:00
https://annhon.binhdinh.gov.vn/vi/news/cac-tin-khac/thi-xa-an-nhon-no-luc-giam-ngheo-ben-vung-699.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Thị xã An Nhơn
https://annhon.binhdinh.gov.vn/uploads/logoannhon.png
Những năm qua, thị xã An Nhơn đã xác định thực hiện công tác giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đồng thời, nhất quán trong điều hành và thực hiện có hiệu quả các chính sách, thị xã đã xây dựng, triển khai các nhiệm vụ giảm nghèo theo hướng bền vững.
Thời gian qua, thị xã An Nhơn xác định nhiệm vụ giảm nghèo nhanh và bền vững là một nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo thực hiện. Trong đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn. Hàng năm, trên cơ sở các chỉ tiêu đã được quyết nghị, thị xã rà soát thực trạng, đề ra những giải pháp tích cực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tiềm năng lợi thế của địa phương để thực hiện tốt chương trình, kế hoạch giảm nghèo.
Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn cho biết: Trong thực hiện công tác giảm nghèo, thị xã An Nhơn chú trọng thực hiện tốt các chính sách xã hội, đẩy mạnh thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo, tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, đặc biệt là xây dựng ý thức tự vươn lên của các hộ gia đình nghèo, người nghèo, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, thị xã chủ động phối hợp hướng dẫn cách sản xuất và chuyển giao khoa học-kỹ thuật, công nghệ để người dân áp dụng vào phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhân dân tận dụng tốt diện tích đất sản xuất để trồng rau, hoa, nâng cao thu nhập.
Cùng với việc nâng cao nhận thức, tính chủ động của người dân trong công tác giảm nghèo, thị xã An Nhơn đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng về đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo; gắn chương trình mục tiêu giảm nghèo với giải quyết việc làm. Xác định công tác giảm nghèo bền vững phải gắn liền với phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người dân, thị xã đã tập trung tạo điều kiện để gia đình thuộc diện hộ nghèo có vốn sản xuất. Theo đó, các thủ tục vay vốn được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã niêm yết công khai, minh bạch theo hướng đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hàng ngàn lượt hộ dân trên địa bàn thị xã đã có điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Ông Phạm Văn Hiển, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH thị xã An Nhơn cho biết: Những năm gần đây, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương, của tỉnh, thị xã An Nhơn đã tập trung triển khai và nhân rộng những mô hình giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã ngày càng giảm.
Với những giải pháp hợp lý và được thực hiện hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thị xã An Nhơn thời gian qua giảm mạnh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thị xã. Theo kết quả Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tính đến cuối năm 2022, thị xã An Nhơn có 1.254 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,42% và 1.761 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,4% tổng số hộ toàn thị xã.
Để tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Thị xã An Nhơn đã đề ra một số giải pháp trọng tâm như: Tập trung phát triển kinh tế, tạo điều kiện thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài địa phương, nhất là thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, đảm bảo tốc tộ tăng trưởng cao, giải quyết nhiều việc làm tại chỗ và góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện phát triển cho từng nhóm đối tượng ở từng địa phương để nhân diện rộng. Bên cạnh đó, tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, thị xã; nguồn huy động, đóng góp của các tổ chức, cá nhân và của toàn xã hội, động viên phát huy tính tự chủ của người dân vươn lên thoát nghèo. Triển khai thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo, hộ nghèo và hộ cận nghèo, như: Chính sách vay vốn ưu đãi làm ăn, phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động, xây dựng nhà ở; chính sách cấp, hỗ trợ thẻ BHYT, hỗ trợ tiền điện hộ nghèo, hộ bảo trợ xã hội, hỗ trợ chi phí học tập, học nghề, trợ cấp xã hội; tập trung nguồn lực, giải pháp hỗ trợ cho các hộ có khả năng lao động tạo ra thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững; thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tập trung đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về mô hình, cơ chế, chính sách giảm nghèo, tạo sự đồng thuận của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững…
Tác giả bài viết: Thanh Minh