Nhìn lại một chặng đường

Chủ nhật - 02/04/2023 12:29 378 0
Đại thắng mùa Xuân Ất Mão- 1975 đã đi vào lịch sử cách mạng vẻ vang gần nửa thế kỷ, nhưng hàng năm cứ đến tháng 3 là anh em cựu chiến binh năm xưa nhớ lại những ngày cuối cùng của cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà kéo dài hơn 20 năm.
Nhìn lại một chặng đường
Sau khi Hiệp định Paris về lập lại hòa bình Việt Nam có hiệu lực, ngày 29/3/1973 quân Mỹ rút hết về nước, quân đội Sài Gòn mất hẳn chỗ dựa, chúng điên cuồng phá hoại hiệp định vừa ký chưa ráo mực, ráo riết thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” sặc mùi hiếu chiến, càn quét lấn chiếm, căm cờ, giành dân. Tuy lúc đầu có gây cho ta khó khăn tổn thất, nhưng không thể xoay chuyển tình thế, cục diện chiến trường và so sánh lực lượng đã nghiêng hẳn về phía cách mạng. Thừa thắng xông lên, quân và dân An Nhơn cùng cả miền Nam bước vào chiến dịch tổng công kích, tổng khởi nghĩa mùa Xuân năm 1975 lịch sử.
 Trong chiến dịch này, trên chiến trường Bình Định được bố trí thành 2 vùng trọng điểm: nam Phù Cát, đông An Nhơn, đông bắc Tuy Phước nằm trong khu vực trọng điểm 1; đông bắc Bình Khê, tây An Nhơn thuộc khu vực trọng điểm 2. Các nơi còn lại trong tỉnh là chiến trường phối hợp. Như vậy, địa bàn An Nhơn đều nằm trong trọng điểm chiến trường phía nam của tỉnh.
Hiệp đồng nhịp nhàng với chiến dịch Tây Nguyên, đêm 4 rạng ngày 5/3, sư đoàn 3 và bộ đội địa phương nổ súng chia cắt quốc lộ 19, hàng loạt cứ điểm của dịch đóng hai bên con đường chiến lược bị ta tấn công, tác động trực tiếp đến khu chiến trọng điểm 2. Chớp thời cơ, quân và dân các xã Nhơn Mỹ, Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Khánh, Nhơn Hậu...phối hợp với bộ đội và lực lượng của huyện Bình Khê liên tiếp tiến công và nổi dậy bứt chốt, bứt đồn giải phóng một vùng rộng lớn ở khu Tây.
Đêm 20/3, bộ đội đặc công đánh sập hai nhịp cầu Phụ Ngọc, cắt đứt tuyến đường xương sống phía tây huyện. Cây cầu từng đi cùng năm tháng đấu tranh cách mạng của quân và dân khu Tây, một lần nữa ghi thêm chiến công vào thời khắc lịch sử. Liền sau đó, lực lượng ta đánh chiếm trụ sở ngụy quyền xã Nhơn Phúc, giải thoát hơn 100 cơ sở cách mạng bị địch giam cầm tại đây.
Cánh cửa phía tây của huyện bị mở tung, đối phương vội vã huy động lực lượng cả lính cộng hòa, bảo an có xe tăng, phi pháo yểm trợ tối đa để phản kích ở hướng tây nam huyện, hòng giải tỏa đường 19, nhưng đều bị bộ đội và du kích chặn đánh gây nhiều thương vong, thu nhiều vũ khí, làm tiêu tan nổ lực cuối cùng của đối phương trên địa bàn phía tây nam huyện ta.
Ở khu Đông, đơn vị đặc công nước đánh sập cầu Câm Văn trên quốc lộ 1, cắt đứt giao thông trên quốc lộ 1, bứt rút hàng loạt chốt bảo an, dân vệ ở các xã. Đồng bào các xã Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn An bị giam hãm trong các khu đồn Bình Định, Đập Đá…hồ hởi gồng gánh đồ đạt về lại làng cũ làm ăn.
Ngày 20/3, tại Hòn Gian, Huyện ủy tổ chức cuộc họp rà soát toàn bộ tình hình và đề ra nhiệm vụ nhanh chóng chớp thời cơ, với quyết tâm cao nhất. Đây là cuộc họp cuối cùng của Huyện ủy ở căn cứ, bởi ngay sau đó, chỉ có bộ phận sản xuất và quản lý trại giam ở lại núi rừng, còn tất cả các đơn vị của huyện đều “hạ sơn”. Những ngày sau đó, các đơn vị bộ đội, du kích đã áp sát quận lỵ, bộ đội đặc công của tỉnh liên tục đánh cắt đứt quốc lộ 1 từ Đập Đá vào đến cầu Si Ta, vây ép chi khu quân sự và quận lỵ. Tối 29/3, trung đoàn 19, thuộc sư đoàn 968 quân chủ lực đánh chiếm và kiểm soát toàn bộ sân bay quân sự Gò Quánh, một trong 4 sân bay chiến lược của Mỹ ở miền Nam.
Hàng ngàn sĩ quan, binh lính trong sân bay cùng với tàn quân từ phía Bắc, phía Tây Nam, phía Đông đổ dồn về tại nút thắt giao lộ cầu Gành, dẫm đạp nhau tháo chạy về hướng biển hòng thoát thân nhưng bị lực lượng quân giải phóng  giăng bẩy ở Quy Nhơn vẫn không thoát được. Từ khu Đông, một đoàn tù hàng binh hơn 500 người, được bộ đội và du kích dẫn giải lên khu Tây phải dừng lại nghỉ qua đêm ở trường tiểu học thôn Hòa Phong- Nhơn Mỹ vì trời đang mưa lớn, nước lũ tràn bờ đập Bình Thạnh không qua sông được.
Chi khu quân sự và quận lỵ như cá nằm trên thớt, sáng 30/3/1975, cố vấn Mỹ và tên quận trưởng lên trực thăng thoát thân, khoảng hơn 10 giờ đối phương cho máy bay ném bom chi khu quân sự, phá hủy trận địa pháo, tài liệu, vũ khí mà chúng không mang theo được. Đúng 11 giờ trưa, lực lượng cách mạng tiến vào chiếm lĩnh, tiếp quản quận lỵ, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc trụ sở quận. Ngày 30/3/1975 được đánh dấu như mốc son lịch sử của quân và dân An Nhơn là toàn huyện được giải phóng, tiến tới giải phóng toàn tỉnh vàò ngày 31/3, giải hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4, thực hiện thống nhất nước nhà, lịch sử đã sang trang mới.
Sáng ngày 9/4/1975, gần 02 ngàn người đại diện cho các tầng lớp Nhân dân trong huyện tập trung tại sân vận động Đập Đá dự lễ mít tinh trọng thể mừng chiến thắng và chứng kiến sự ra mắt Ủy ban nhân cách mạng huyện An Nhơn. Chính quyền cách mạng kêu gọi cán bộ và Nhân dân toàn huyện tập trung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết quê hương, bảo vệ thành quả cách mạng, ổn định cuộc sống nhân dân, nhất là đồng bào ở các nơi mới về lại làng cũ...
Cán bộ, quân và dân An Nhơn ra sức khai hoang phục hóa, tháo gỡ bơm mìn, nhất là các xã khu Đông, làm hồi sinh một vùng đất bị bom đạn tàn phá nặng nề. Vượt qua thời kỳ mò mẫm của 10 năm đầu sau giải phóng, vừa cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xác lập quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, công thương nghiệp, rồi 37 năm sau đó cùng cả nước bước vào giai đoạn đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển.
Nhìn lại 48 mùa xuân đã đi qua, một chặng đường không dài so với lịch sử, nhưng An Nhơn đã đạt được bước tiến dài đáng tự hào. Từ một huyện nông thôn, cuối năm 2011 được nâng lên thị xã và đi lên với tốc độ phát triển khá nhanh. Năm 2018, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, về đích trước thời gian 2 năm và tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Nhờ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, nên đầu năm 2021 được công nhận đạt chuẩn đô thị loại 3 và phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2024, sớm hơn mục tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ XXIII đề ra, mở ra hướng phát triển trong giai đoạn mới, xứng tầm vị thế vốn có của An Nhơn xưa và nay./.

Tác giả bài viết: Trần Duy Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Xây dựng đảng
Hồ Chí Minh
Phòng chống thiên tai
Lịch làm việc
Cuộc thi tìm hiểu CCHC
Dịch vụ công trực tuyến
CSDLQG
Bộ thủ tục HC cấp huyện
TTHC CX
Cai cach hanh chinh
Công khai tài chính
Thông tin tuyển dụng
Giấy phép kinh doanh karaoke
Phap dien
Chuyển đổi số
Công khai danh sách cán bộ
Văn bản
Thư xin lỗi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay2,427
  • Tháng hiện tại59,275
  • Tổng lượt truy cập4,490,946

1818/TB-UBND

THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND thị xã Lê Hoài An tại cuộc họp nghe báo cáo các vấn đề có liên quan đến dự án Nghĩa trang Nam An Nhơn

Thời gian đăng: 27/12/2024

1817/TB-UBND

THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại cuộc họp nghe báo cáo các tồn tại, vướng mắc trong công tác BTGPMB một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thị xã

Thời gian đăng: 27/12/2024

2078/UBND

V/v thực hiện Văn bản số 9288/UBND-TH ngày 15/11/2024 của UBND tỉnh Bình Định

Thời gian đăng: 26/11/2024

1771/TB-UBND

THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại cuộc họp nghe báo cáo các tồn tại, vướng mắc trong công tác BTGPMB một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thị xã

Thời gian đăng: 26/11/2024

2090/UBND

v/v khảo sát đầu tư dự án cấp nước sạch trên địa bàn thị xã An Nhơn

Thời gian đăng: 26/11/2024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây