Thị xã An Nhơnhttps://annhon.binhdinh.gov.vn/uploads/logoannhon.png
Thứ tư - 19/10/2022 14:428460
Tôi may mắn có được tập hồi ký Những năm tháng không thể nào quên của nhà cách mạng Ngô Đức Đệ, viết năm 1986 tại Hà Nội. Sau mấy năm hoạt động ở quê nhà, cuối năm 1927 ông được điều vào Quy Nhơn làm Bí thư Đảng bộ Tân Việt liên tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum. Từ thời kỳ tiền khởi nghĩa cho đến cách mạng tháng Tám thành công, rồi suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi, tập kết ra Bắc làm nhiệm vụ mới đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước, từng giữ nhiều trọng trách và tên tuổi của ông được khắc vào lịch sử đấu tranh của dân tộc.
Ngô Đức Đệ sinh năm 1905, trong một gia đình có truyền thống yêu nước thuộc dòng họ Ngô Đức ở xã Trảo Nha (nay là xã Đại Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt. Cha là Ngô Đức Thiệu, chiến sĩ phong trào Văn Thân; bác ruột là là Ngô Đức Kế (Nghè Kế), cùng chí sĩ Phan Bội Châu sáng lập phong trào Đông Du; chú ruột là Ngô Đức Diễn, một trong những người sáng lập Hội Phục Việt- tiền thân của Đông Dương Cộng sản liên đoàn, tổ chức cách mạng miền Trung, một trong ba tổ chức hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Nối tiếp truyền thống yêu nước và cách mạng của gia đình và quê hương Hà Tĩnh, năm 1923 vừa bước sang tuổi 18, Ngô đức Đệ đã dấn thân vào cuộc đời hoạt cách mạng đầy cam go, thử thách.
Năm 1929, Ngô Đức Đệ bị thực dân Pháp bắt ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) trong cuộc họp thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, bị kết án 3 năm tù và giam ở nhà lao Vinh (Nghệ An), sau đó bị tăng án vì đấu tranh chống hành dịch, đến tháng 5/1930 chúng đày lên nhà lên nhà tù Kon Tum. Ngô Đức Đệ là chính trị phạm duy nhất lúc bấy giờ bị giam riêng trong một xen- luy (xà lim) chung tường với phòng giấy của Huỳnh Đăng Thơ (Đội Thơ), người con làng Đại An, tổng Mỹ Đức (nay là xã Nhơn Mỹ), phủ An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn) bị địch bắt lính, làm quản lao ở nhà tù.
Trong phòng giam kín ngục tù, Ngô Đức Đệ nhớ đến hoàn cảnh ông Lương Ngọc Quý (con cụ Lương Văn Can, một chiến sĩ kiên cường trong phong trào Văn Thân) bị giặc bắt giam năm 1917 ở nhà lao Thái Nguyên. Trong nhà lao, Lương Ngọc Quyến đã khéo léo tuyên truyền, giác ngộ Đội Cấn trong lính khố xanh để đi đến cuộc khởi nghĩa năm 1917. Hoàn cảnh Ngô Đức Đệ ở ngục tù Kon Tum giống Lương Ngọc Quyến ở nhà tù Thái Nguyên, đối tượng vận động cũng giống nhau, nhưng năm 1930 đã có Đảng lãnh đạo và có phong trào cách mạng nổi lên khắp nơi.
Từ đó, Ngô Đức Đệ tìm mọi cách tìm hiểu và tiếp cận Huỳnh Đăng Thơ. Một hôm, Đội Thơ đi qua cửa phòng giam, Ngô Đức Đệ cất tiếng gọi khẽ : “Ông mở cửa ra cho tôi rửa mặt”. Cụ Thơ tiến sát cửa phòng và nói: “Theo lệnh trên, ông là tù cấm cố không được ra ngoài, nhưng tôi có thể lén cho ông ra một chút”. Cụ Thơ đã khéo léo bố trí cho lính gác mỗi ngày mở cửa cho Ngô Đức Đệ ra ngoài 15 phút. Sau đó, Đội Thơ tìm cách giúp đỡ nhiều hơn đối với chính trị phạm bị biệt giam, thể hiện nhiều cử chỉ tốt của xếp lao, dẫn đến hai người dần hiểu nhau hơn và cảm mến nhau.
Gặp người quản lao tốt bụng lại là người Bình Định, nơi mà trải qua hai năm (1928- 1929), Ngô Đức Đệ hoạt động bí mật, làm Bí thư Tứ Định, mới gieo một số hạt giống đỏ, đặt vài viên gạch đầu tiên, nhiều dự định còn ấp ủ. Ông nhận xét: “Nếu rồi đây ông xếp Thơ trở nên người cách mạng, đứng vào hàng ngũ chiến đấu thì đây là đầu mối quan trong và vững chắc trong việc phát triển phong trào cách mạng giữa hai tỉnh Kon Tum và Bình Định, qua nhịp cầu này sẽ tạo nên mối quan hệ công- nông- binh, quan hệ miền xuôi với miền ngược, tạo thanh thế liên minh thực sự gắn chặt hai tỉnh và các tỉnh”. Và, ông nói: “Kon Tum là đây và Bình Định cũng là đây”.
Chưa đầy 4 tháng cảm hóa, giác ngộ thì ngày 10/9/1930, ngay trong ngục tù đế quốc, Huỳnh Đăng Thơ đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này, lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum (1930- 1975) đã ghi nhận: “Huỳnh Đăng Thơ là đảng viên cộng sản đầu tiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ở tỉnh Kon Tum”.
Thông qua Huỳnh Đăng Thơ đã nhanh chóng phát triển một số đảng viên trong nhà tù, cuối tháng 9/1930, Chi bộ Đảng nhà tù Kon Tum được thành lập, gọi là chi bộ đặc biệt, hay chi bộ binh, lúc đầu do đồng chí Ngô Đức Đệ làm bí thư, sau đó ông bận công việc phát triển tổ chức Đảng ra đường phố, nên giao trọng trách cho Huỳnh Đăng Thơ làm bí thư. Và, lối rẽ cuộc đời của Đội Thơ cũng bắt nguốn từ ấy.
Khoảng tháng 3/1931, cơ sở từ Quy Nhơn lên Kon Tum bị lộ, Huỳnh Đăng Thơ cùng hai chi ủy là Huỳnh Liễu và Nguyễn Cừ bị địch bắt, nhưng kẻ thù không khuất phục được ý chí kiên trung của những người cộng sản. Huỳnh Đăng Thơ đã thực hiện tuyệt thực 21 ngày đêm để đấu tranh. Dù không tìm ra chứng cứ, nhưng thực dân Pháp vẫn kết án Huỳnh Đăng Thơ cùng hai đồng chí của mình mỗi người ba năm tù và đày vào nhà lao Buôn Ma Thuột. Tại đây, ông được nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, một chính trị phạm, nhà cách mạng từng hoạt động ở thành Bình Định dìu dắt, giúp đỡ và giao nhiệm vụ gây dựng tổ chức Đảng ở địa phương sau khi ra tù.
Mãn hạn tù, địch đưa Huỳnh Đăng Thơ về quê nhà quản thúc, ông tìm cách móc nối với tổ chức Đảng ở La Hai (Phú Yên) và lần lượt giác ngộ một số thanh niên tiến bộ trong vùng để phát triển đảng viên, trong đó có hai người em ruột của ông là Huỳnh Đăng Chi, Huỳnh Đăng Bảng. Ngày 20/10/1936, tại Hòn Chùa- Đại An diễn ra sự kiện chính trị quan trọng là chi bộ Đảng mang tên Hồng Lĩnh được thành lập.
Chỉ sau một năm, Chi bộ Hồng Lĩnh được Xứ ủy Trung Kỳ chính thức công nhận và giao nhiệm vụ khôi phục, xây dựng tổ chức Đảng và phong trào cách mạng toàn tỉnh Bình Định. Vai trò của Chi bộ Hồng Lĩnh được lịch sử Đảng bộ tỉnh đã ghi nhận; “Sự ra đời và hoạt động phong phú của Đảng bộ Hồng Lĩnh là một đóng góp quan trọng đối với phong trào cách mạng Bình Định trong những năm 1936-1939”.
Chi bộ Hồng Lĩnh là một trong những tổ chức Đảng ra đời sớm ở Bình Định và tồn tại khá lâu, có vai trò rất quan trọng không chỉ ở các phủ/ huyện An Nhơn, Bình Khê (Tây Sơn), Phù Cát mà đối với cả tỉnh, nhất là việc thành lập Tỉnh ủy lâm thời và Ban Cán sự Đảng liên tỉnh giữa vòng vây và khủng bố tàn khốc của thực dân Pháp và Nam Triều. Hoạt động của Chi bộ Hồng Lĩnh đã đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp cách lâu dài của quê hương An Nhơn- Bình Định. Thời kỳ cách mạng tiền khởi nghĩa luôn là điểm tựa vũng chắc, thôi thúc Đảng bộ và nhân dân An Nhơn hướng tới đỉnh cao thành tựu trong suốt 86 năm qua, cùng với cả dân tộc phấn đấu vì mục tiêu thống nhất non sông, xây dựng và phát triển đất nước mạnh giàu, văn minh.
Càng gần đến ngày đô thị loại III An Nhơn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, đô thị vệ tinh của thành phố Quy Nhơn, động lực phát triển phía nam tỉnh về đích trước một năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXIV đề ra, cán bộ, đảng viên và nhân dân An Nhơn càng giữ trọn niềm tự hào và tri ân đến các nhà cách mạng tiền bối- Mạch nguồn sự nghiệp cách mạng của quê hương.
THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện đầu tư và công tác BTGPMB các công trình, dự án trên địa bàn thị xã ngày 21/11/2024
THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, tuyến phố văn minh của các xã, phường
THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện đầu tư và công tác BTGPMB các công trình, dự án trên địa bàn thị xã ngày 08/11/2024
THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại buổi làm việc với các Chủ đầu tư Cụm công nghiệp và các cơ sở, doanh nghiệp thuê đất tại Cụm công nghiệp Tân Đức