Thị xã An Nhơnhttps://annhon.binhdinh.gov.vn/uploads/logoannhon.png
Thứ sáu - 18/11/2022 09:375530
Đã gần một năm tình hình đại dịch Covid được kiểm soát, kinh tế- xã hội dần đi vào phục hồi, ổn định và phát triển, trong đó có hoạt động giáo dục tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện. Thầy cô và học sinh được dạy và học trực tiếp, cả xã hội vô cùng phấn khởi, đặc biệt đối với thị xã An Nhơn ai cũng đang trong tâm thế phần đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2024, về đích trước một năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ Thị xã lần thứ XXIV đề ra.
Năm 2022, trong không khí phấn khởi chung ấy, hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2022) càng có ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở các thế hệ học sinh và cả xã hội tri ân các thầy cô giáo, những kỷ sư tâm hồn, cùng nhau giữ gìn truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, mà quê hương An Nhơn là một trong những nơi sớm có truyền thống hiếu học.
Ngày Nhà giáo Việt Nam gắn liền với lịch sử ra đời Hiến chương nhà giáo trên thế giới từ rất sớm, kể từ khi Công đoàn giáo dục Việt Nam được kết nạp vào tổ chức quốc tế này từ năm 1951. Những năm sau đó, do điều kiện nước ta bị chia cắt, năm 1958 lần đầu tiên Hiến chương nhà giáo được tổ chức ở miền Bắc, rồi nhiều nơi trong vùng giải phóng miền Nam tuy khó khăn nhưng cũng được tổ chức sinh hoạt. Sau khi hòa bình lập lại, nước nhà thống nhất, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bô trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm làm ngày nhà giáo Việt Nam, ngày truyền thống cùa ngành giáo dục.
Từ ấy, hàng năm cứ đến ngày 22/11, các thế hệ học sinh thường tặng hoa và quà chúc mừng các thầy cô giáo, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, cô- người kỷ sư tâm hồn chăm lo sự nghiệp trồng người. Đối với mọi ngành, mọi nghề, mọi người trong toàn xã hội cũng sẻ chia niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần tạo ra nguồn nhân lực cho xây dựng và phát triển đất nước.
Ngành giáo dục cũng nhân dịp này đánh giá lại kết quả, tiến bộ trong tiến trình đổi mới của ngành và định hướng nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới. Từng trường, từng cấp học liên hệ kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc tiếp tục làm, nhằm động viên đội ngũ thầy cô giáo phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo dục nước ta, rèn luyện phẩm chất và năng lực của giáo viên, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Những sinh hoạt phong phú của thầy cô nhằm nâng cao nhận thức, vinh dự và trách nhiệm của mình, vì sự nghiệp trồng người, vì học sinh thân yêu và vì tương lai của đất nước.
Trong nhiều kỳ họp của Quốc hội các khóa, giáo dục luôn là một trong những lĩnh vực được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, nhất là Quốc hội khóa XV trước tình hình giáo viên đang thiếu, mà lại có nhiều thầy cô bỏ nghề, nhiều nhất là giáo viên mầm non, một thực trạng chưa có tiền lệ, càng làm cho xã hội quan tâm, cùng lo. Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo đã phải giải thích và trình bày nhiều giải pháp trước Quốc hội và trao đổi trên hành lang nghị trường vấn đề khá hóc búa, rất thời sự, được cử tri cả nước trăn trở, chia sẻ và đặt niềm tin vào sự nghiệp trồng người của nước ta để theo kịp đà phát triển của nền giáo dục các nước trong khu vực và thế giới.
Ơ thị xã An Nhơn, mảnh đất hiếu học từ nhiều thế kỷ trước, tuy mức độ khác nhau, nhưng bên cạnh những mặt tích cực và thành tựu không thể phủ nhận và rất đáng trân trọng, vẫn còn không ít những tồn tại hạn chế, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục- đào tạo, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của thầy cô giáo, một nghề thanh cao thời nào cũng được trân quý, tôn vinh.
Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, điều đáng lo nhất là những hiện tượng tiêu cực xã hội len lỏi vào trường học, tác động tiêu cực đến học sinh. Những hình ảnh bạo lực trên Internet, trò chơi điện tử gây sự tò mò, lôi kéo lớp trẻ hiếu động, không làm chủ được bản thân, dẫn tới những hành vi bao lực, vô văn hóa không chỉ ngoài xã hội mà diễn ra ngay trong nhà trường, gây tổn thương đến nhân cách, đạo đức học sinh, làm đau đầu thầy cô giáo, lo lắng cho phụ huynh và cả xã hội.
Trước tình hình trong cả nước có hàng chục ngàn giáo viên xin ra khỏi ngành, từ bỏ cái nghề nghề cao quý, ảnh hưởng đến sự nghiệp giáo dục, làm cho cả xã hội càng quan tâm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giáo viên bỏ nghề giáo, trong đó có nguyên nhân đồng lương và thu nhập của người thầy quá thấp so với nhu cầu cuộc sống. Tôi không phải là nhà giáo nhưng rất mong nhà nước sớm thực hiện nâng lương và đi đến cải cách chế độ tiền lương cho giáo viên, để thầy cô toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghề, truyền đạt kiến thức, dạy học trò nên người, có ích cho dất nước.
Được vậy sẽ giúp cho mỗi giáo viên đứng trên bục giảng đầu óc không còn phải lo nghĩ chuyện khác, trong đó có việc tìm cách tổ chức dạy thêm, không chỉ làm cho người thầy phải phân tâm, luôn căng thẳng về giờ giấc, mà còn tạo áp lực về thời gian và tiền bạc đối với học sinh và phụ huynh. Thực trạng ấy đã và đang diễn ra, gây bức xúc cho cộng đồng xã hội và cũng là nỗi trăn trở của không ít nhà quản lý giáo dục có tâm huyết với nghề, rất cần được khắc phục. Người giáo viên nào cũng từng là học trò, cũng có con đi học, càng vui mừng khi thấy con mình cùng với nhiều học sinh trưởng thành, lại càng thấu hiểu, chia sẻ niềm vui và nỗi khổ của phụ huynh về chuyện học hành, nhất là tình trạng dạy thêm, học thêm, gây tốn kém cho xã hội.
Tương lai của đất nước phụ thuộc vào ngành giáo dục, còn tương lai của giáo dục thì phụ thuộc vào cách cư xử của xã hội đối với nhà giáo. Người thầy nào cũng xác định mục đích của giáo dục là sự hình thành nhân cách, giáo dục là một nghệ thuật làm cho học trò trở thành người tốt, có ích cho đất nước. Một thời gian dài nền giáo dục của ta rơi vào tình trạng nặng dạy chữ, nặng chạy theo tốt nghiệp và bằng cấp, cuốn hút theo thành tích, đương nhiên là ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Từ những trăn trở về thực trạng giáo dục, không ít thầy cô giáo đã dồn tâm huyết cho sự sự nghiệp trồng người không chỉ khi lúc còn tại chức, còn đứng lớp. Họ mãi mãi là người thầy theo đúng nghĩa, tận tâm tận lực, nặng lòng với sự nghiệp trồng người, luôn là tấm gương cho học sinh noi theo, vẫn tiếp tục thắp sáng niềm tin, nuôi dưỡng ước mơ cho các thế hệ học sinh thân yêu.
Cứ đến dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo, càng thấm thía những câu nói mộc mạc của người xưa: “Không thầy đố mày làm nên”, “Có trọng thầy mới được làm thầy”... Thời ấy người ta đặt vị trí người thầy trên cả cha mẹ, bởi dạy học là một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo”, đạo ở đây là đạo làm người có nhân cách, có đạo đức, cần được kế thừa và tiếp nối một cách thật sự, không hình thức. Và, luôn có trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội, nhà trường và gia đình trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo.
THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại cuộc họp nghe báo cáo các tồn tại, vướng mắc trong công tác BTGPMB một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thị xã
THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện đầu tư và công tác BTGPMB các công trình, dự án trên địa bàn thị xã ngày 21/11/2024
THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, tuyến phố văn minh của các xã, phường