Làng nghề, nét đẹp văn hóa xưa và nay

Thứ ba - 11/06/2024 10:07 54 0
Nằm trên hai tuyến giao thông huyết mạch là quốc lộ 1A, quốc lộ 19 và đường sắt Bắc Nam, có nhiều nhánh sông Côn chảy qua, một vùng đất hơn ngàn năm tuổi, từng hai lần kinh đô và là phủ lỵ, tỉnh lỵ Bình Định, Bình Phú lắng đọng trầm tích văn hóa. Vì thế các làng nghề ở An Nhơn đã ra đời và tồn tại khá lâu cùng với sự hình thành và phát triển vùng đất kinh thành xưa trong lịch sử.
Làng nghề, nét đẹp văn hóa xưa và nay
Thời hưng thịnh của vương quốc Chămpa ở Bình Định nghìn năm trước đã có 6 di tích lò nung gốm cổ, trong đó ở An Nhơn có 3 di chỉ là Gò Sành, Trường Cửu, Gò Cây Me đều bố trí dọc hai bên bờ sông Côn để khai thác nguồn đất sét nâu và vận chuyển bằng đường sông. Sản phẩm gốm Chăm đến nay vẫn còn được lưu giữ, trưng bày ở các bảo tàng, các sưu tập tư nhân trong và ngoài nước và có vị trí nhất định trên thị trường gốm thương mại trong nước và quốc tế.
Đến cư dân Đại Việt đã kế thừa, pha trộn dòng gốm Chăm, tiếp tục lập làng gốm Bắc Nhạn Tháp, dọc bờ bắc sông Thạch Yển, hàng gốm đất nung ở đây đã có mặt trong Nam, ngoài Bắc và cả Tây Nguyên. Từ giữa thập niên 80 lại đây, ga tàu lửa Vân sơn (ga tàu chợ) giải thể và hàng nhôm nhựa, gốm sứ đủ loại tràn ngập thị trường, thị phần gốm đất nung thu hẹp dần, làng gốm Nhạn Tháp chỉ còn vài ba chục hộ và lần lượt dời ra thôn Vân Sơn để cố giữ lửa nghề truyền thống. 
Thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, dòng người Việt từ phương Bắc theo chân chúa Nguyễn lần lượt tiến vào phương Nam, trong đó có nghệ nhân làng nghề tiểu thủ công nghiệp vào nơi này lập nghiệp và truyền nghề cho dân bản địa. Rồi người Hoa dưới thời bài Thanh phục Minh đã tìm nơi đất lành chim đậu, lần lượt đến đây lập làng nghề, phố thị, cùng sinh sống với người Việt dọc theo hai bên các nhánh sông Côn. Các bến sông đò ngang, đò dọc, thuyền buồm tấp nập, nhất là bến An Thái thịnh thủy, sông rộng, nước sâu như là thương cảng giữa đồng bằng, thuận tiện giao thương, đã quy tụ ngũ bang hội quán, hình thành làng Minh Hương, như một Hội An thu nhỏ.
Làng nghề truyền thống ở An Nhơn hầu hết là những nơi cư dân khai hoang lập làng từ những ngày đầu trong diễn trình lịch sử làng xã người Việt ở Bình Định. Gần như làng nghề nào cũng dựa trên hai yếu tố cơ bản là vùng nguyên liệu dồi dào và điều kiện giao thông bằng đường sông. Làng đúc Bằng Châu, làng rèn Tây Phương Danh, làng dệt Nam Phương Danh, làng gốm Nhạn Tháp có bề dày trên 300 năm, bún Song Thằn An Thái cũng gần 400 năm...Lịch sử các làng nghề ở An Nhơn đã gắn liền với các dòng sông, hàng thủ công theo thuyền buôn bồng bềnh trên sông rồi vươn ra cửa biển Thị Nại, Nước Mặn để đến các nước.
Những làng nghề hình thành sớm là sản xuất gốm đất nung, rèn nông cụ cầm tay, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, trồng bông kéo sợi dệt nhuộm vải, may áo thụng, làm khăn xếp, guốc mộc, lục lạc ngựa, móng ngựa, yên ngựa, phân kim, giấy viết, phấn viết…tập trung nhiều nhất là xung quanh phủ thành Quy Nhơn, thành Hoàng Đế, văn miếu Bình Định, thành Bình Định, phủ đường An Nhơn. Và, tiếp tục ra đời những làng nghề chế biến bún khô, nấu rượu, bánh tráng, đốt than, đóng cày, bừa, đan tre ở Nhơn Lộc, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh, Nhơn Hưng; nón lá, đậu khuôn, bánh hỏi, bánh ướt, cốm nổ ở Nhơn Thành; nước mắm, thêu ren, nem chả ở Đập Đá, Nhơn Hậu và cả làng võ, làng hát tuồng ở Nhơn Phúc, Nhơn Hòa…Không nhiều thì ít chứ làng xã nào cũng có làng nghề, nhóm nghề và hiện đang thịnh hành nhất là các làng hoa mai ở Nhơn An, Nhơn Phong…để thị xã An Nhơn trở thành thủ phủ mai vàng Bình Định và miền Trung hơn ba thập kỷ nay.
Làng nghề ở An Nhơn không chỉ phản ánh mối quan hệ “nghề” với  “nghiệp”, mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần đậm nét qua các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội…Hầu hết các nghề thủ công đều có bí quyết riêng, việc giữ gìn bí quyết nghề không chỉ đơn thuần là giữ nghề, mà còn chi phối các quan hệ xã hội khác. Việc truyền nghề chỉ đóng khung trong một số đối tượng cụ thể theo lối cha truyền con nối, có mở rộng cũng chỉ là trong tộc họ, người thân. Đơn cử như nghề làm bún Song Thằn ở An Thái trải qua mấy trăm năm nhưng vẫn là nghề bí truyền, chỉ trong mấy hộ người Hoa, rồi người Việt gốc Hoa truyền nghề nhau.
Các làng nghề tồn tại và phát triển, hội tụ và kết nối thành mô hình: bến nước- làng nghề- phố chợ qua nhiều thế kỷ, thúc đẩy sản xuất, giao lưu, trao đổi, tiêu thụ sản phẩm, văn hóa làng nghề cũng sớm hình thành cùng với văn hóa lúa nước. Hàng tiểu thủ công từ các làng nghề không chỉ đáp ứng cho sản xuất và đời sống dân sinh, mà còn phục vụ cho kháng chiến chống ngoại xâm. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, hàng tiểu thủ công ở An Nhơn, nhiều nhất là ở Đập Đá cung cấp cho cả Liên khu V, nhất là vải sita sợi đánh may quần áo bộ đội, rèn nông cụ cầm tay, làm giấy, phấn viết, thuốc chữa bệnh, vũ khí thô sơ kể cả lựu đạn, nhạc cụ dân tộc, cải tiến xe đạp tăng trọng lượng gấp hai ba lần để dân công tải hàng ra mặt trận, góp phần kháng chiến thắng lợi. 
Quá trình phát triển, các làng nghề càng dần hình thành những nhóm nghề như: nhóm dệt nhuộm, sản xuất nông cụ, đúc đồng nhôm, hàng thủ công mỹ nghệ, nón lá, chế biến lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng. Trong 24 làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận, có nhiều làng nghề khai thác tiềm năng du lịch, đó là: làng nón lá Gò Găng và các làng lân cận, rượu Bàu Đá ở Cù Lâm, làng tiện gỗ mỹ nghệ ở Vân Sơn, làng cẩn xà cừ ở Cẩm Văn, làng rèn Tây Phương Danh (Đập Đá), làng bún khô An Thái, làng bún tươi Ngãi Chánh, làng bánh tráng Trường Cửu…tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và phát huy nét đẹp văn hóa đặc sắc của làng nghề.
Hầu như làng nghề nào cũng có tục thờ cúng tổ nghề gắn liền với lễ hội làng nghề cùng với các hoạt động văn hóa dân gian khác diễn ra vào ngày âm lịch hàng năm. Làng nghề rượu Bàu Đá giỗ ông tổ Nghề Điếc vào ngày 12 tháng giêng; làng rèn Tây Phương Danh (cả Nam Tân- Nhơn Hậu) cúng tổ nghề Đào Dã Tượng với lễ hội truyền thống vào ngày 12 tháng 2; làng đúc Bằng Châu giỗ ông tổ Không Lộ vào ngày 17 tháng 3; làng nghề gốm đất nung giỗ tổ vua Thuấn vào ngày mùng 6 tháng 7...ngày giỗ tổ nghề tưng bừng như mở hội. Trong các lễ hội làng nghề, thì giỗ tổ làng rèn là lễ hội có quy mô, bề thế, linh đình nhất, sau phần hát lễ, thì tiếp tục hát bội nhiều đêm liền phục vụ bà con bản xứ và người làng rèn làm ăn các nơi tề tựu về, cùng với khách thập phương đến dự hội đông vui. Không chỉ tổ chức nghi lễ tại đền thờ, mà trong làng nghề gia đình nào cũng tổ chức giỗ tổ tại nhà.
          Làng nghề truyền thống không mang yếu tố hành chính, mà được khu biệt bởi một thực thể vật chất và tinh thần, tồn tại khá ổn định về mặt địa lý, ổn định về một nghề hay nhóm nghề để làm ra những sản phẩm tiểu thủ công, có bề dày về thời gian và lưu truyền trong dân gian, trước hết là gia đình, dòng tộc, làng xóm và rộng hơn nữa vượt ra khỏi huyện, tỉnh. Với tính chất nghiệp nghề, đã có những khái niệm như nghề truyền thống, nghề cổ truyền, nghề gia truyền, nghề phụ, nghề thủ công…Các làng nghề gắn với cuộc sống cư dân nông nghiệp, theo cơ chế sản xuất mùa vụ và đặc trưng của mô hình làng xã như là “đô thị giữa làng quê”.
          Từ rất lâu, nghề dệt nhuộm phát triển ở nhiều nơi, nhất là Nhơn Nghĩa, An Thái, Phương Danh, Huỳnh Kim, An Ngãi, Thiết Trụ...thu hút hàng ngàn lao động. Tại phố cổ An Thái trước năm 1945 có 5 hãng dệt nhuộm của người Hoa, với hàng ngàn thợ dệt nhuộm. Làng dệt Nam Phương Danh lúc hưng thịnh lên đến 2.000 khung cửi dệt, năm 1984 Chủ tịch nước Võ Chí Công đến thăm Hợp tác dệt và tặng Huân chương Lao động hạng 2, nhưng đều đã lần lượt bị mai một, vắng vẻ tiếng thoi đưa. Thời kỳ mở cửa, vải nội, vải ngoại với công nghệ hiện đại, máy móc tiên tiến tràn lan trên thị trường, làm cho ngành dệt thủ công điêu đứng, đình đốn, một số người cố giữ nghề chuyển sang dệt vải thổ cẩm, khăn mặt, vải gạc y tế…nhưng cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi các khung cửi dệt cũng xếp xó.
          Đất nghề An Nhơn đã đi vào thi ca rất dân dã, mộc mạc và chân tình: “Anh về Xứ Nẫu thăm nhà/ Tháng hai trở lại, tháng ba cưới nàng/ Cưới nàng đội nón Gò Găng/ Xấp lãnh An Thái, một khay trầu nguồn”. Còn nghề dệt ở Đập Đá đã từng có câu ca tình tứ: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng/ Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ/ Đêm dài xóm vắng trong mơ/ Thương anh dệt nhiễu trao go một mình”. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở đây từng vang tiếng trên thương trường trong và ngoài nước, tiêu biểu như lụa, lãnh, lương, bùng, nhiễu, đũi…Nhiều mặt hàng lụa lãnh dệt từ sợi tơ tằm đã được tham dự đấu xảo (hội chợ) ở Sài Gòn, Hội An, Hà Nội và sang cả nước Pháp, được khách hàng cả nội, ngoài ưa chuộng.
          Nhờ tay nghề nổi tiếng, nghệ nhân làng đúc đồng Kim Châu là cụ Nguyễn Phương được triều đình nhà Nguyễn triệu về kinh thành Huế để đúc đồ thờ lăng tẩm và trang trí trong hoàng cung. Người con gái cưng Nguyễn Thị Định theo cha, vốn đẹp người đẹp nết nên đã trở thành thứ phi của vua Thánh Thái, mẹ của vua Duy Tân. Hai cha con- hai ông vua trong ba vị vua yêu nước của triều nhà Nguyễn.
Qua từng giai đoạn thăng trầm, nhiều nghề vẫn tìm cách cải tiến công nghệ, mẫu mã, khai thác nguyên liệu, đầu tư mua sắm máy móc, tìm kiếm đầu ra và bảo vệ môi trường như các làng đúc Bằng Châu, rèn Tây Phương Danh, gốm nung, tiện gỗ mỹ nghệ Vân Sơn, nón lá Gò Găng, bún bánh An Thái, nhất là bún Song Thằn chế biến từ tinh bột đậu xanh, chỉ có nghệ nhân và nguồn nước sông tại An Thái mới làm được. Đặc biệt, năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng quê hương An Nhơn (30.4.1975- 30.4.1985), nghệ nhân làng đúc đồng Bằng Châu đã đúc thành công tượng Bác Hồ nặng gần 01 tấn đồng, cao 2 mét tặng Huyện ủy An Nhơn. Tuyệt tác tượng Bác Hồ hiện trưng bày tại khu di tích Chi bộ Hồng Lĩnh.
Các làng nghề truyền thống không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, nuôi sống một bộ phận đáng kể dân cư, góp phần phân công lại lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mà quan trọng hơn là mang lại giá trị văn hóa, tiềm năng du lịch, phản ánh được lịch sử, văn hóa, xã hội liên quan đến gia đình, gia tộc nghệ nhân và cộng đồng.
Trong xu thế đô thị hóa nông thôn ngày càng sâu rộng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã và đang là sự quan tâm đặc biệt của cơ quan chức năng về quy hoạch, định hướng phát triển ngành nghề ở nông thôn cả trước mắt và lâu dài, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề, để vốn quý của người xưa truyền lại góp phần làm giàu cho quê hương An Nhơn đáng yêu, đáng sống./.  

Tác giả bài viết: Trần Duy Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Xây dựng đảng
Hồ Chí Minh
Phòng chống thiên tai
Lịch làm việc
Dịch vụ công trực tuyến
CSDLQG
Bộ thủ tục HC cấp huyện
TTHC CX
Cai cach hanh chinh
Công khai tài chính
Thông tin tuyển dụng
Giấy phép kinh doanh karaoke
Phap dien
Chuyển đổi số
Công khai danh sách cán bộ
Văn bản
Thư xin lỗi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập230
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm221
  • Hôm nay7,919
  • Tháng hiện tại276,448
  • Tổng lượt truy cập3,048,237

1057/TB-UBND

THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại cuộc họp nghe báo cáo Đề án thành lập các phường thuộc thị xã An Nhơn và thành lập thành phố An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định

Thời gian đăng: 08/07/2024

1101/UBND

V/v cho cải táng tại Khu cải táng phục vụ GPMB Khu Công nghiệp Nhơn Hòa

Thời gian đăng: 08/07/2024

1076/UBND

V/v chủ trương thành lập Tổ thẩm định các nội dung có liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu đối với đơn vị mua sắm tập trung tại thị xã An Nhơn

Thời gian đăng: 02/07/2024

1050/TB-UBND

THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện đầu tư và công tác BTGPMB các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thị xã

Thời gian đăng: 28/06/2024

1060/UBND

V/v thay thế thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Thỏa thuận khung hợp tác cấp địa phương về nước sạch, thu gom và xử lý nước thải giữa UBND tỉnh Bình Định với hai Nghiệp đoàn SEAFF và SFL của Pháp (phía Việt Nam)

Thời gian đăng: 01/07/2024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây