Lần này, qua một số bà con xóm trên Quý Trung, kẻ xóm dưới Hòa Mỹ, xóm ngoài Bình Tiên kể từng người chết do bệnh ung thư, tôi biết cụ thể hơn. Từ ông Võ Ba, Nguyễn Thái Bửu, Lê Văn Thứ…cho đến nay không dưới 28 người đã ra đi, có tháng 3- 4 người chết trong một xóm, có gia đình chết đến 2 người và hiện còn 6 người đang điều trị, chẳng biết có qua khỏi không, nghe mà khủng khiếp. Một làng quê chỉ có 335 nông hộ, với 1.770 nhân khẩu, mà căn bệnh ung thư đã cướp đi chừng ấy mạng người. Và, những người đang sống mà hàng ngày phải đối mặt với cái chết, làm khổ người thân, cuộc sống gia đình bị đảo lộn, quả là chuyện không bình thường, nếu không được kiểm soát có thể sẽ trở thành làng ung thư.
Người đầu tiên tôi ghé thăm là chị Lê Thị Thu Sương, chị thứ 6 nên thường gọi chị Sáu Em, con cậu cả của tôi, lúc chị ở bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh hóa trị đợt 3 vừa về đến nhà, mỗi đợt cách nhau 21 ngày. Hoàn cảnh gia đình thật là bi thương, hơn bảy năm trước, chồng chị là anh Nguyễn Khắc Phương, làm nghề thợ hồ, trụ cột gia đình nhưng không may mắc bệnh ung thư, gia đình chạy chữa gần ba năm, bao nhiêu tiền của dồn vào việc chữa bệnh cho chồng, tài sản trong gia đình đã không cánh mà bay, song vẫn không qua khỏi, anh đã đi xa, bỏ lại vợ con. Cuộc sống gia đình rơi vào cảnh khó khăn chồng chất, chưa kịp gượng sức, thì nay lại đến lượt chị cũng mắc phải căn bệnh ung thư đại tràng quái ác đã đến giai đoạn 3, hành hạ người phụ nữ nông thôn chân chất, nghèo nàn.
Gia cảnh quá khó khăn, luôn lo buồn, suy nghĩ nhiều, tâm lý sợ chết bao trùm cả nhà. Ba người con trai đã lập gia đình, hai vợ chồng người em ra ở riêng, vợ chồng người con cả ở với chị, chồng đi làm bảo vệ ở xí nghiệp, vợ thì làm vài sào ruộng, chăn nuôi heo, gà và phụ giúp mẹ, thu nhập chẳng bao nhiêu, thương mẹ nhưng cũng không thể phụ giúp được nhiều. Cuộc sống chật vật, cơn bạo bệnh hàng ngày hành hạ, ăn uống kham khổ, sức khỏe của chị giảm sút rõ, lại phải vô thuốc hóa trị theo định kỳ, càng làm cho chị vốn ốm yếu, càng hốc hác, gầy rạc. Tâm trạng khổ đau, hoang mang, nước mắt chị ràn rụa và thổn thức nói trong nghẹn ngào, không giấu nỗi sợ hãi, tâm sự với tôi: “Lo chạy chữa tốn kém tiền bạc, vừa đau khổ bản thân, vừa làm khổ con cháu, nhưng sợ không qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo, chắc tôi cũng đi theo cha lũ nhỏ”. Tôi nghe mà quặn lòng.
Trên nhà chị Sáu Em chừng hơn 200 mét là đến nhà cậu Lê Ngọc Anh (thường gọi Sáu Anh), có vợ tên là Võ Thị Thu Sương cũng bị mắc bệnh hiểm nghèo, lo chạy chữa khắp nơi, nhưng rồi cũng từ giã chồng con ra đi cách đây mấy năm. Bà Võ Thị Thu Sương còn có người anh ruột tên Võ Văn Thọ ở xóm Bình Tiên, là cựu chiến binh, sau khi xuất ngũ về quê sinh sống, xây dựng gia đình, đang làm ăn bình thường, không may mắc phải căn bệnh ung thư và đã ra đi. Người chị ruột là Võ Thị Tư cũng mắc phải căn bệnh nan y, nhưng nhờ phát hiện sớm, tiếp tục điều trị nên cầm cự được đã mấy năm, sức khỏe đang dần hồi phục.
Đối diện nhà cậu Sáu Anh, bên kia con đường hương lộ là nhà chị Phạm Thị Hương có chồng là anh Nguyễn Thành Bửu cũng bị bệnh ung thư kéo dài hơn 2 năm, làm đủ phát đồ điều trị, từ hóa trị đến xạ trị ở bệnh viện Chợ Rẫy. Vợ con bán hết bò heo, lúa thóc trong nhà và vay mượn bà con, anh em để chạy chữa cho chồng cho cha, nhưng rồi cũng nhắm mắt xuôi tay xa cõi tạm, đang giữa mùa đại dịch Covid 19, chịu chung số phận cùng với bao nhiêu người bị căn bệnh thế kỷ.
Cách nhà anh Bửu một ngõ hẻm, người vợ của anh Hai Hảo cũng ra đi vì bệnh hiểm nghèo. Gần bên là nhà của anh Phạm An, có 2 người con dâu đều mắc bệnh quái ác này, người con dâu lớn tên Giả ra đi hơn 3 năm trước, thì năm nay người con dâu kế tên Phượng cũng lìa bỏ chồng con. Mới tháng trước, người em dâu của anh Phạm An là chị Nguyễn Thị Tâm, vợ anh Phạm Châu, nhà ở sát bên, đã phẩu thuật cắt bỏ khối u được vài năm, nhưng di căn tái phát, đành từ bỏ người thân, lìa xa cõi tạm. Chỉ cách bụi tre sau mấy ngôi nhà này là nhà anh Trần Ngọc Tuấn, bộ đội xuất ngũ, đang khỏe mạnh lo làm ăn, đột nhiên mắc bệnh hiểm nghèo đã gần 4 tháng nay, hóa trị được 3 lần ở bệnh viện Đa khoa tỉnh, tóc rụng hết.
Trên nhà anh Phạm An chỉ một con hẻm, hai chú cháu ruột, hai nhà liền kề chung một sân, đều mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Đó là anh Lê Văn Thứ (em ruột chị Sáu Em, thường gọi là anh Bảy Lớn,) cũng vì căn bệnh nan y đã ra đi mấy năm nay, bỏ lại vợ dại con thơ. Đến lượt ông chú là Lê Bình, cậu ruột thứ 9 của tôi bị ung thư vòm họng, vợ con và các cháu lo chạy chữa từ bệnh viện Đa Khoa tỉnh, đến bệnh viện Chợ Rẫy, làm hết phát đồ điều trị nhưng cũng không thể qua khỏi, đến tháng 10/2021 đã trút hơi thở cuối cùng, để lại bao tiếc thương cho người thân.
Trên đường đi, tôi tình cờ gặp thím Tám Quy, chồng liệt sĩ, cơ sở cách mạng thời kháng chiến, có người con trai duy nhất là Phan Thanh Thọ, trung tá công an cũng đã ra đi hơn 3 năm vì căn bệnh hiểm nghèo. Gương mặt khắc khổ, hai mắt thâm quần của người đàn bà bất hạnh vẫn chưa nguôi ngoai, thì thầm trong nước mắt: “Chồng hy sinh, để lại cho thím thằng con trai duy nhất, căn bệnh quái ác đã cướp đi đứa con yêu quý, khóc hết nước mắt, tuổi già phải nương tựa con gái”.
Xã Nhơn Mỹ sát sân bay quân sự Gò Quánh của Mỹ, trong chiến tranh là một trong 3 sân bay lớn ở miền Nam (Gò Quánh, Đà Nẵng, Biên Hòa) có kho chứa Đioxin, mặc dù đã đã được xử lý tẩy độc, nhưng không loại trừ thứ chất độc giết người này vẫn phát tán trong không khí, ngấm dưới lòng đất, mạch nước ngầm, là một trong những tác nhân gây bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác như ô nhiễm không khí, độc tố từ thuốc bảo vệ thực vật, từ nguồn thức ăn, nước uống, từ nghiện rượu, nghiện thuốc lá…và có cả nguyên nhân di truyền.
Căn bệnh nan y không chừa ai, không loại trừ chỗ nào, các thôn trong xã Nhơn Mỹ và nhiều nơi khác cũng có người mắc ung thư, nhưng mật độ dày hơn hết là thôn Hòa Phong, nhất là xóm Quý Trung. Theo Bí thư chi bộ, Trưởng ban thôn Hòa Phong Nguyễn Thị Thu Em, đặt mạnh đến nguyên nhân nguồn nước từ mạch giếng khoan bị ô nhiễm, rất mong các cấp có thẩm quyền quan tâm xây dựng sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà máy nước sạch (liên xã Nhơn Mỹ, Nhơn Hậu) để người dân được hưởng nguồn nước sạch- Người nữ bí thư nhấn mạnh./.