Tháp Phú Lốc

Thứ ba - 12/04/2022 16:08 2.125 0
Tháp Phú Lốc
Tháp Phú Lốc
Đi dọc trên đường Quốc lộ số 1, cách thành phố Quy Nhơn 35km về phía Bắc, ngang qua địa phận thôn Châu Thành phường Nhơn Thành có thể nhìn thấy rõ. Từ trước tới nay nhân dân vẫn thường gọi tháp là Thốc Lốc, Phốc Lốc, Phú Lốc, Phú Lộc mà không hiểu nghĩa của những tên tháp này. Trong các thư tịch cổ, tên tháp còn được chép là Phước Lộc. Người Pháp, trong các công trình nghiên cứu của họ gọi là Tour d’Or (Tháp Vàng). Phân tích phong cách kiến trúc, các nhà chuyên môn đoán định rằng tháp có niên đại tương đương với tháp Cánh Tiên, có nghĩa là cũng được xây dựng vào đầu thế kỷ XII. Quy mô tháp không lớn. Bình đồ tháp hình vuông mỗi chiều đo được 9,7m. Toàn tháp cao khoảng 15m, nhưng vì được xây dựng trên đồi cao nên trông có vẻ ngạo nghễ.
So với tháp Cánh Tiên, trang trí trên tháp Phú Lốc có phần đơn giản hơn. Các cột đá ốp xung quanh thân tháp thẳng trơn. Giống như mọi tháp Champa, Phú Lốc cũng có ba cửa giả và một cửa chính hướng về phía Đông. Vòm cửa hình lưỡi mác vút lên cao tới 6m. phần trang trí chủ yếu được thể hiện trên các cửa giả. Bao quanh phần trên mỗi vòm của là các phù điêu trang trí. Cửa giả có tới ba tầng, nhỏ dần về phía trên, tạo thành một hình khối giống như 3 lưỡi mác nhọn xếp nối nhau vút lên sát diềm mái.
Mái tháp có ba tầng, ngăn cách với phần thân bởi một diềm đá để trơn không trang trí. Tầng mái không còn được nguyên vẹn, được tạo dáng thu nhỏ dần trên phía trên với các tường được chạm khắc. Hình dáng lớp mái nhà là hình ảnh thu nhỏ của tháp chính nhưng các hàng cột ốp dọc có hoa văn xoắn kết dài. Các cửa trên mái tháp trông giống như những khám thờ, bao quanh phia trên vòm cửa nhọn được trang trí hoa văn lá lật xoắn đối xứng.
Tháp đứng trên đồi cao trông có vẻ trơ trọi, đìu hiu, nhưng lên tới chân tháp, phóng tầm mắt ra bốn hướng thì thấy cảnh trí xung quanh thật kỳ vĩ. Tại đây có thể nhìn thấy cả vùng đồng bằng rộng lớn của thị xã An Nhơn và huyện Phù Cát.
Cũng trên địa phận của phường Nhơn Thành, cách tháp Phú Lốc không xa, trên một quả đồi phía bắc thôn Châu Thành hiện còn phế tích một tòa tháp khác. Dấu tích còn lại là nền móng của ba khối tháp đã bị sập đổ. Gạch, đá đổ xuống chất thành gò. Trong đống phế tích hoang tàn còn tìm thấy những mảnh đá chạm khắc, trang trí các điểm góc và đặc biệt là một phù điêu bằng đá tạo dáng khá đẹp, có lẻ là chỏm nóc.
Khi nói về tháp Phú Lốc, sách đại Nam nhất thống chí có chép: “Phú Lốc có tháp cổ ở hai thôn Châu Thành và Phú Thành, huyện Phù Cát”. Theo đó, tháp ở Nhơn Thành chính là tháp Thốc Lốc hiện nay, còn tháp Nhơn Thành là phế tích quần thể kiến trúc tháp ở thôn Châu Thành.
Tháp được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1995.

Tác giả bài viết: TH

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây