Bàu Sấu – Kỳ Đồng

Thứ ba - 12/04/2022 15:36 883 0
    Bàu Sấu – Kỳ Đồng là một trong những căn cứ kháng chiến quan trọng của Nghĩa quân Mai Xuân Thưởng, lãnh tụ của Phong trào Cần Vương tại Bình Định hiện ở thôn Thiết Tràng, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn. Nơi đây đã diễn ra trận quyết chiến cuối cùng của Nghĩa quân với thực dân Pháp và tay sai vào tháng 4 năm 1887.
    Bàu Sấu có tên chữ là Ngạc Đàm, xưa kia là một bàu nước rộng và rất sâu, có nhiều cá sấu, trải qua lũ lụt nhiều năm, cá sấu bỏ đi, nhưng tên Bàu Sấu vẫn được Nhân dân quen gọi. Kỳ Đồng là ngọn núi thấp ở phía đông bắc Bàu Sấu, có tài liệu ghi là núi Kỳ Đông, còn có tên khác là núi Bà Lam. Hình thế núi thoai thoải cùng các gò đống trải dài nhấp nhô tạo dáng hình con rồng đang uốn khúc nên được xem là thanh long, một trong tứ linh, nằm cạnh dòng nước, nên thế đất này được ví cho hình tượng thanh long ẩm thủy. Sau khi nắm quyền chỉ huy Nghĩa quân, năm 1885, Mai Xuân Thưởng đã cho xây dựng nhiều khu căn cứ đánh Pháp, trong đó có căn cứ Bàu Sấu – Kỳ Đồng.
    Tháng 4 năm 1887, quân triều đình do Trần Bá Lộc và Nguyễn Thân phối hợp bao vây, tấn công vào căn cứ Bàu Sấu – Kỳ Đồng của Nghĩa quân Cần Vương dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Mai Xuân Thưởng.
    Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, hai bên giao tranh kéo dài hơn ba ngày đêm. Sang ngày thứ tư, giặc tăng cường viện binh từ Quy Nhơn lên, dùng đại bác bắn phá dữ dội vào phòng tuyến của Nghĩa quân, liên tục mở các đợt tấn công, Nghĩa quân hy sinh rất nhiều và dần suy yếu không kháng cự nổi, Mai Xuân Thưởng bị thương phải rút về phía nam, men theo đường rừng về căn cứ Linh Đỗng. Không bắt được Mai Xuân Thưởng, Trần Bá Lộc thẳng tay đàn áp, sát hại nhiều người khu vực xung quanh căn cứ Bàu Sấu – Kỳ Đồng.
    Sau trận quyết chiến xảy ra tại Bàu Sấu – Kỳ Đồng, Nghĩa quân Mai Xuân Thưởng dần tan rã. Tháng 4 năm 1887, Mai Xuân Thưởng cùng với 11 thủ lĩnh của phong trào Cần Vương ở Bình Định bị giặc bắt và hành hình tại Gò Chàm vào ngày 06/6/1887.
    Bàu Sấu – Kỳ Đồng không chỉ là nơi ghi nhận sự hy sinh anh dũng của Nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Mai Xuân Thưởng mà còn là nơi đã từng thấm đẫm máu xương của Nhân dân An Nhơn trong cuộc chiến đấu cuối cùng của Phong trào Cần Vương ở Bình Định. 
    Di tích Bàu Sấu – Kỳ Đồng được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 05/4/2017.
 

Tác giả bài viết: Tô Hồng Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây