Nơi ở và dạy học của Thầy giáo Hiến

Thứ ba - 12/04/2022 15:37 1.134 0
Trương Văn Hiến là hiền sĩ, người Hoan Châu – Nghệ An khi xưa, thời trai trẻ nổi tiếng tinh thông, thao lược, văn võ song toàn. Năm 1765, vì lánh nạn quyền thần Trương Phúc Loan thời chúa Nguyễn Phúc Thuần mới lên ngôi, Trương Văn Hiến vô Nam theo đường biển đến Cửa Thị Nại, rồi ngược dòng sông Kôn đến thị tứ An Thái chọn nơi định cư lập nghiệp mở trường dạy học.
Nghe tiếng danh sư, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ ở đất Tây Sơn tìm đến xin học, được thầy Trương Văn Hiến hết sức yêu mến, đem bao tri thức văn chương, võ nghệ của mình truyền dạy. Khi Nguyễn Huệ thành tài, thầy Trương Văn Hiến động viên người học trò xuất sắc tiếp tục nuôi chí hướng khởi nghĩa giúp dân với câu nói “Tây tụ nghĩa, Bắc thu công”. Không chỉ là quân sư của Tây Sơn Tam Kiệt từ những ngày đầu khởi nghĩa cho đến khi giành nhiều chiến công hiển hách, trước lúc về với tổ tiên, Thầy Trương Văn Hiến còn căn dặn các học trò của mình luôn giữ bốn chữ “thương dân, chuộng đức” làm nền tảng của chính sách an dân, chọn hiền tài. Tên tuổi và công lao của hiền sĩ Trương Văn Hiến luôn gắn liền với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn trên đất Bình Định hàng trăm năm qua, được Nhân dân tôn kính gọi là Thầy giáo Hiến.
Nơi ở và dạy học của Thầy giáo Hiến hiện còn dấu tích nền móng nhà và giếng nước được xây bằng đá ong ở thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn. Di tích lịch sử văn hóa quan trọng này của Nhà Tây Sơn đã được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng vào ngày 01/3/2019.
Để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử di tích Nơi ở và dạy học của Thầy Trương Văn Hiến, UBND tỉnh đã có chủ trương khoanh vùng bảo vệ, quy hoạch đầu tư xây dựng Nhà tưởng niệm, ghi dấu một thời kỳ lịch sử hào hùng của Tây Sơn Tam Kiệt trên đất An Nhơn.

Tác giả bài viết: Tô Hồng Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 2.6 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây