Văn Miếu Bình Định

Thứ ba - 12/04/2022 15:30 1.115 0
     Tiếp nối truyền thống lấy chữ Nho làm văn tự chính thức, vua Gia Long Nhà Nguyễn ngay khi mới lên ngôi (1802) đã cho các tỉnh lập Văn Thánh Miếu thờ Đức Khổng Tử, người sáng lập đạo Nho. Tại Bình Định, Văn Thánh Miếu được xây dựng vào năm 1828 tại làng Vĩnh Lại, nay thuộc khu vực Vĩnh Phú, phường Nhơn Thành. Nhân dân thường gọi là Văn Thánh hoặc Văn Miếu.
    Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Văn Miếu Bình Định xưa được bao bọc bởi 4 bức tường bằng đá ong. Cổng tam quan có 4 trụ, hai trụ ở ngoài thấp hơn hai trụ ở giữa. Tấm biển đề ba chữ Văn Thánh Miếu được gắn ở trên hai trụ giữa. Chính giữa Văn Miếu là ngôi chánh điện thờ Đức Khổng Tử và các vị tiền hiền. Sau chánh điện phía đông và phía tây có hai tòa nhà là Hữu văn đường và Dị lễ đường. Trước Miếu dựng hai ngôi nhà Tả vu và Hữu vu. Ngoài ra còn có một số công trình phụ phục vụ cho việc tế lễ. Khu vực bên ngoài Văn Miếu có hai nhà bia gắn biển “khuynh cái hạ mã” (có nghĩa là “nghiêng lọng xuống ngựa”) để thể hiện sự tôn trọng khi bước vào Văn Miếu.
    Văn Miếu Bình Định tuy không có bia tiến sĩ nhưng theo các nhà nghiên cứu lịch sử, có bảng vàng lưu danh các bậc khoa cử đỗ đạt thành tài của tỉnh khi xưa. Chắc chắn rằng, Văn Miếu Bình Định có các hoạt động tuyên dương những người đỗ trong các khoa thi ở Trường thi Bình Định từ năm 1850 đến năm 1918.
    Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Văn Miếu Bình Định hiện chỉ còn lại 1 nhà bia khắc chữ “khuynh cái hạ mã” (“nghiêng lọng xuống ngựa”), một bức bình phong mặt bên ngoài có hình Long mã hà đồ, bên trong hình Lưỡng long tranh châu, hiện đã xuống cấp.
    Văn Miếu Bình Định được UBND tỉnh xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh vào ngày 09/01/2006.
    Để ghi lại dấu xưa của một công trình văn hóa, gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học, trọng chữ, tôn quý thánh hiền của ông cha ta, động viên các thế hệ trẻ ngày nay rèn đức, luyện tài vì ngày mai lập thân lập nghiệp, đóng góp tài trí cho quê hương đất nước, Văn Miếu Bình Định rất cần các cấp chính quyền quan tâm quy hoạch, trùng tu tôn tạo và bảo vệ.
 

Tác giả bài viết: Tô Hồng Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây