Khu căn cứ cách mạng An Trường
Tô Hồng Phương
2022-04-12T15:32:07+07:00
2022-04-12T15:32:07+07:00
https://annhon.binhdinh.gov.vn/vi/trang-tinh/danh-thang-di-tich/khu-can-cu-cach-mang-an-truong-34.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Thị xã An Nhơn
https://annhon.binhdinh.gov.vn/uploads/logoannhon.png
An Trường là tên gọi của một vùng rừng núi ở thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn ngày nay, là đầu nguồn sông An Tượng, có địa thế hiểm trở, xưa từng là căn cứ địa của Nghĩa quân Tây Sơn, Nghĩa quân Cần Vương và của Huyện ủy An Nhơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngay sau khi có Nghị quyết 15-TW (01-1959) của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chuyển hướng đấu tranh cách mạng ở miền Nam, một số cán bộ tập kết ở miền Bắc từ năm 1954 được Đảng cử vào miền Nam hoạt động. Trong đó có các cán bộ là con của quê hương An Nhơn như các đồng chí Trần Hồng Hà, Nguyễn Đậu đã về đến vùng An Trường từ tháng 11 năm 1959. Các đồng chí đã chọn hang Ông Dài và đồi Đá Chẹt ở An Trường làm trạm đón trực tiếp cán bộ, bộ đội và cơ sở thoát ly ở các xã đồng bằng lên hoạt động. Tại vùng núi An Trường, Ban cán sự Đảng khu Nam được thành lập, Đội vũ trang tuyên truyền, tiền thân của lực lượng vũ trang huyện An Nhơn ra đời. Từ căn cứ cách mạng An Trường, Huyện ủy An Nhơn đã lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần cùng với Đảng bộ, lực lượng vũ trang và Nhân dân tỉnh Bình Định đấu tranh cách mạng giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc.
Năm 1977, công trình Hồ chứa nước Núi Một – công trình thủy nông lớn nhất tỉnh lúc bấy giờ được khởi công xây dựng, phần lớn khu căn cứ An Trường và một phần làng Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh nằm trong lòng hồ.
Khu căn cứ cách mạng An Trường được xếp hạng di tích cách mạng cấp tỉnh vào ngày 10/9/2007, đã và đang là một địa chỉ đỏ, ghi dấu một quá trình lãnh đạo Nhân dân đấu tranh cách mạng của Huyện ủy An Nhơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tác giả bài viết: Tô Hồng Phương