Gò Chàm

Thứ ba - 12/04/2022 15:35 1.098 0
    Gò Chàm là tên gọi của một chợ xưa ở thôn An Ngãi, nay thuộc khu vực An Ngãi, phường Nhơn Hưng, thị xã  An Nhơn, phía bắc giáp sông Gò Chàm, phía tây giáp Quốc lộ 1. Đại Nam nhất thống chí còn ghi một tên gọi khác là chợ Tam Kiều. Nơi đây, vào ngày 06 tháng 6 năm 1887, ngày rằm tháng Tư năm Đinh Hợi, thực dân Pháp đã hành hình Nguyên soái Mai Xuân Thưởng và 11 thủ lĩnh của Phong trào Cần Vương ở Bình Định.
    Hưởng ứng Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, từ năm 1885, phong trào Cần Vương ở Bình Định do Đào Doãn Địch chỉ huy ngày càng lớn mạnh, tập hợp ra được nhiều sĩ phu yêu nước và hàng nghìn trai tráng tham gia lập đồn lũy, tích trữ lương thực và vũ khí, tổ chức đánh thực dân Pháp và tay sai. Với trách nhiệm của nhà nho yêu nước, Cử nhân Mai Xuân Thưởng ở Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn đã chiêu mộ nghĩa quân, tham gia cùng với Đào Doãn Địch kháng Pháp, được phong chức Tán tương quân vụ. Khi Đào Doãn Địch ốm nặng qua đời (20/9/1485) ông đã giao toàn bộ binh quyền cho Mai Xuân Thưởng lãnh đạo.
    Khi giữ quyền chỉ huy, Mai Xuân Thưởng truyền hịch khắp nơi, vận động được nhiều sĩ phu, Nhân dân tham gia phò vua Hàm Nghi giúp nước. Lực lượng nghĩa quân đã suy tôn ông là Bình Tây Đại nguyên soái.
    Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Nguyên soái Mai Xuân Thưởng, phong trào Cần Vương ở Bình Định phát triển mạnh, phối hợp với lực lượng kháng chiến các tỉnh Nam Trung kỳ, tổ chức nhiều trận đánh lớn gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất, tạo tiếng vang khắp cả nước.
     Trước sự lớn mạnh của phong trào Cần Vương ở Bình Định, tháng 9 năm 1886, thực dân Pháp huy động nhiều lực lượng với vũ khí hiện đại để tấn công mở rộng địa bàn trên quy mô lớn.
    Sau nhiều trận chiến đấu ác liệt, nhất là ở Bầu Sấu – Kỳ Đồng (Nhơn Mỹ), lực lượng nghĩa quân Mai Xuân Thưởng ngày càng yếu thế, không chống đỡ nổi và dần dần thất bại. Ngày 04/5/1887, Mai Xuân Thưởng cùng với các thủ lĩnh phong trào Cần Vương đã bị giặt bắt. Tương truyền khi bị bắt giam ở thành Bình Định, Nguyên soái Mai Xuân Thưởng đã làm bài thơ khuyên các tướng sĩ và đến khi bị hành hình tại Gò Chàm vào ngày 06/6/1887, ông còn đọc thơ thể hiện khí tiết anh dũng không khuất phục trước quân thù:
        Chết nào có sợ chết như chơi
        Chết bởi vì dân chết bởi thời
        Chết hiếu chi nài xương thịt  nát
        Chết trung bao quản cổ đầu rơi
        Chết nhân tiếng để vang nghìn thuở
        Chết nghĩa bia thơm rạng mấy đời
        Thà chịu chết vinh hơn sống nhục
        Chết nào có sợ chết như chơi
    Gò Chàm – địa danh lịch sử ghi lại tội ác của thực dân Pháp và tay sai đối với các lãnh tụ và nghĩa sĩ phong trào Cần Vương, đánh dấu thời điểm kết thúc phong trào này ở Bình Định. Di tích Gò Chàm mãi mãi gắn liền với tên tuổi của người anh hùng Mai Xuân Thưởng của quê hương Bình Định, được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 23/6/2015.

Tác giả bài viết: Tô Hồng Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây