Cột cờ Thành Bình Định

Thứ ba - 12/04/2022 15:27 1.523 0
    Di tích Cột cờ Thành Bình Định là một trong số rất ít hiện vật còn sót lại cho đến ngày nay của thành Bình Định, thuộc khu vực Minh Khai, phường Bình Định, thị xã An Nhơn.
     Thành Bình Định được xây dựng vào năm Gia Long thứ 12 (1814), có vai trò là thủ phủ, là trung tâm chính trị văn hóa của tỉnh Bình Định cho đến năm 1939, tỉnh lỵ Bình Định dời về Quy Nhơn. Hơn 100 năm tồn tại, thành Bình Định chứng kiến nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đặc biệt nơi đây đã diễn ra cuộc đấu tranh cự sưu kháng thuế sôi động của các sĩ phu yêu nước theo Phong trào Cần Vương năm 1908. Thành Bình Định cũng là nơi chính quyền cách mạng và Nhân dân tỉnh Bình Định chứng kiến sự đầu hàng của quan lại phong kiến phủ An Nhơn vào ngày 25/8/1945 trong Cách Mạng Tháng Tám.
Năm 1946, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh, thành Bình Định bị phá hủy, chỉ còn lại Cột cờ.
    Cột cờ thành Bình Định ở phía Nam bờ thành, cách Cửa Tiền khi xưa khoảng 20 m. Cột cờ đầu tiên được làm bằng gỗ thuộc loại danh mộc, đặt trên một ụ đất cao đắp ngang với bờ thành. Cột cờ dùng để treo quốc kỳ mỗi năm vào các dịp lễ, Tết Nguyên đán, ngày đại khánh của Nhà Nguyễn. 
    Năm 1936, Cột cờ được đúc bằng bê tông cốt thép với chiều cao đến 20 m, chân đế Cột cờ hình vuông được xây bằng đá ong. Dọc thân Cột cờ được lắp những thanh sắt xuyên ngang để treo cờ.
    Năm 2003, UBND thị xã An Nhơn trùng tu tôn tạo chống xuống cấp, giữ nguyên thân Cột cờ, chỉ xây lại phần đế Cột cờ và xây lại miếu thờ Bá hộ Huệ vốn được Nhân dân lập trước năm 1975.
    Cột cờ Thành Bình Định được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 20/5/2005.

Tác giả bài viết: Tô Hồng Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây