Tại ngã ba sông đầu chùa Hòa Quang, sông Côn rẽ nhánh ôm gọn làng Hòa Phong và Tân Kiều, tạo thành một vùng ốc đảo, chia cắt địa bàn xã Nhơn Mỹ thành hai mảng, người dân muốn sang sông phải qua 5 bến đò: Bến Phủ, Hòa Mỹ, Ông Cảnh, Bầu Sấu, Thị Lựa. Những năm gần đây, nhờ có chủ trương xây dựng nông thôn mới, được sự quan tâm đầu tư của nhà nước và một phần từ nguồn xã hội hóa, trên hai nhánh sông này lần lượt được xây dựng 5 cây cầu kiên cố. Nhánh Trung phái có cầu Khánh Mỹ và cầu Hòa Phong cách nhau khoảng nửa cây số, đi qua Nhơn Khánh, Nhơn Phúc và các xã phía Nam. Nhánh Bắc phái là cầu Bình Thạnh (cầu dân sinh được thi công cùng lúc, kết dính với công trình đập dâng Bình Thạnh), cầu Tân Kiều và cầu Thiết Tràng, mỗi cầu cách nhau chừng 700 m, đi qua trung tâm xã và các thôn phía Bắc, nối thông với phía Tây Nam huyện Phù Cát, Đông Bắc huyện Tây Sơn.
Cầu Thiết Tràng được xây dựng sau cùng, thi công trong năm 2020 - 2021, là cây cầu vượt lũ vĩnh cửu quy mô lớn nhất so với 4 cầu kia, dài 165 m, 4 nhịp, mặt cầu rộng 9 m, với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng. Cầu Thiết Tràng là điểm nhấn trên toàn tuyến đường ngang liên xã phía tây TX An Nhơn, từ Nhơn Mỹ đi Nhơn Khánh và các xã phía Nam, rút ngắn đoạn đường từ Khu công nghiệp Nhơn Hòa, QL 19 ra đường 19 B đoạn nằm trên địa phận xã Nhơn Mỹ và sân bay Phù Cát, kết nối mạng lưới giao thông cả phía Tây Nam, Tây Bắc thị xã và phía Tây tỉnh.
Tôi rạo rực muốn tai nghe mắt thấy ở quê mình, rủ một anh bạn thân là giáo viên về hưu và cũng là một nhạc sĩ chở nhau bằng xe máy về tham quan cầu mới Thiết Tràng vào một ngày gần giáp Tết Nhâm Dần. Trên đường đi, chúng tôi gặp một thanh niên ở thôn Hòa Phong chở người vợ trẻ mang bầu gần đến ngày sinh qua cầu Thiết Tràng để đến trạm xá xã thăm khám và chờ sinh, họ phấn khởi vô cùng. Còn các cháu học sinh cấp II thì thỏa thích, lớp đi xe đạp, lớp cưỡi xe đạp điện vèo vèo qua cầu chỉ mất chừng 5 - 10 phút là đến trường, không còn phải lo trễ giờ học, cha mẹ cũng đỡ lo rủi ro khi con qua đò giang vào mùa nước lũ như trước đây. Còn bao nhiêu người qua cầu để đến trạm xá khám bệnh, tiêm vắc xin phòng Covid-19, qua UBND xã ký giấy tờ, đi chợ Gò Găng, chợ Gò Quánh hoặc đi thăm bà con… ai ai cũng phấn khởi.
Đã qua rồi cái thời các mẹ, các chị đi chợ Thiết Trụ, đứng bờ sông bên Tân Kiều nhìn thấy chợ nhóm mà phải mất cả tiếng đồng hồ mới qua được đò, trúng ngày chợ phiên lại càng lâu hơn, vậy nên thời ấy có câu: “Không đi không lấy gì ăn/ Mà đi thì sợ sông ngăn, lụy đò”.
Chúng tôi trở lại cầu Thiết Tràng, đi theo đoạn đường mới mở rộng đến hết thôn Tân Kiều, rồi qua cầu Khánh Mỹ sang Nhơn Khánh đi về Bình Định. Ngồi sau lưng anh bạn nhạc sĩ, tôi miên man nghĩ về những cây cầu bắt qua hai nhánh sông, nhất là cầu Thiết Tràng nằm trên tuyến giao thông quan trọng, kết nối trung tâm xã với cả vùng phía Tây của tỉnh.
Đúng là công tác quy hoạch giao thông gắn với quy hoạch tổng thể đi trước một bước với tầm nhìn xa đã làm thay đổi hẳn diện mạo một vùng quê sông nước, núi đồi, xưa kia bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nay dần phát triển nông nghiệp toàn diện và mở mang ngành nghề, dịch vụ, từng ngày đổi thay đến ngỡ ngàng.
Còn anh bạn tôi thì trầm ngâm suy tư và thổ lộ rằng, anh mắc nợ vùng đất Nhơn Mỹ anh hùng thời đánh giặc, cần cù năng động thời dựng xây một nhạc phẩm để đời. Và cảm hứng của nhạc sĩ cũng bắt đầu thai nghén từ mùa xuân Nhâm Dần trên những nhịp cầu nối bờ vui...
Nguồn tin: Theo baobinhdinh.com.vn
Ý kiến bạn đọc