Vụ Đông Xuân 2020- 2021 được mùa
2022-04-04T15:59:00+07:00
2022-04-04T15:59:00+07:00
https://annhon.binhdinh.gov.vn/vi/news/kinh-te/vu-dong-xuan-2020-2021-duoc-mua-47.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Thị xã An Nhơn
https://annhon.binhdinh.gov.vn/uploads/logoannhon.png
Mùa đông năm ngoái bão lụt liên tiếp, gây hậu quả nặng nề cho nhiều tỉnh miền Trung, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến phía nam Bình Định, riêng thị xã An Nhơn không có trận lụt nào, không có phù sa bồi lắng đồng ruộng.
Bù lại, bà con nông dân tăng cường sử dụng phân chuồng bón ruộng; cùng với đó là diễn biến thời tiết suốt cả vụ Đông Xuân 2020- 2021 rất thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, nhất là giai đoạn lúa đẻ nhánh phát triển, làm đòng, ngậm hạt; gieo sạ đúng lịch thời vụ; sâu bệnh không đáng kể, nhất là hạn chế bệnh vàng lá, khô đầu lá, lem lép hạt, tỷ lệ lép thấp; cơ cấu giống lúa đưa vào đồng ruộng phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng và thực hiện chăm sóc tốt...Những yếu tố đó đã dẫn đến kết quả vụ Đông Xuân vừa qua là một trong những vụ được mùa nhất từ trước đến nay.
Vụ Đông Xuân 2020- 2021 toàn thị xã An Nhơn gieo trồng 8.571 ha, giảm 87,2 ha so với vụ Đông xuân năm trước. Trong đó, diện tích cây lương thực có hạt 7.007 ha, gồm diện tích lúa 6.869 ha, diện tích ngô 144,2 ha; cây lấy củ có chất bột (chủ yếu là mì) 109,9 ha; cây có hạt chứa dầu 548 ha (đậu nành, đậu phụng, mè), riêng diện tích đậu phụng chiếm 522,2 ha; diện tích rau đậu các loại 488,4 ha; diện tích một số loại cây hằng năm khác 772 ha (chủ yếu là cây dược liệu, cây cỏ chăn nuôi bò…).
Không chỉ bà con nông dân phấn khởi, mà cả thị xã đều vui mừng là vụ sản xuất đầu tiên triển khai nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIV được mùa và được giá. Tôi lật tập niên giám thống kê ra xem, suốt mười năm (2010- 2020) là những năm năng suất lúa vụ Đông Xuân khá cao nhưng chưa có năm nào vượt qua con số 71,2 tạ/ ha, vậy mà vụ Đông xuân này đạt 71,8 tạ/ ha. Nhờ năng suất cao nên diện tích gieo trồng lúa cả vụ thấp hơn năm ngoái 68 ha, mà sản lượng thóc vẫn đạt 49.300 tấn, xấp xỉ bằng năm ngoái. Sản lượng thóc vụ Đông Xuân năm nay bằng và cao hơn sản lượng thóc cả năm trong thời kỳ sản xuất ba vụ của những thập niên cuối thế kỷ XX. Có đến 11/15 xã- phường, tức là phần lớn diện tích trên cánh đồng lúa An Nhơn đạt năng suất từ 70,2- 75,4 tạ/ha. Dẫn đầu là phường Bình Định 75,4 tạ/ha, kế tiếp là Nhơn Hạnh 74,6 tạ/ha, Nhơn An 74,0 tạ/ha, Nhơn Khánh 73.6 tạ/ha, Nhơn Phúc 73,2 tạ/ha, Nhơn Lộc 72,8 tạ/ha, Đập Đá 72,5 tạ/ha, Nhơn Phong 72,2 tạ/ha, Nhơn Thọ 71,4 tạ/ ha, Nhơn Mỹ 71,4 tạ/ha, Nhơn Hậu 70,2 tạ/ha. Bốn xã- phường còn lại là Nhơn Hưng, Nhơn Thành, Nhơn Hòa, Nhơn Tân đạt từ 66,8- 69,8 tạ/ ha.
Năng suất lúa ở một số vùng đạt từ 400- 450 kg/sào, tức là mỗi ha thu hoạch trên 8 tấn thóc không còn là cá biệt, đặc biệt là trên những cánh đồng mẫu lớn, những vùng lúa giống ở Nhơn Lộc, Nhơn Mỹ, Nhơn Khánh, Nhơn Phúc, Nhơn An…Điều đáng mừng là độ đồng đều về năng suất lúa giữa các xã- phường dần xích lại gần nhau, không còn chênh lệch quá xa như trước đây. Đặc biệt là toàn bộ diện tích xã Nhơn Tân, một nửa diện tích xã Nhơn Lộc, Nhơn Thọ và một phần xã Nhơn Mỹ…từ vùng đất bạc màu, nhưng nay đã vươn lên từ 350- 380 kg thóc một sào, nhất là xã Nhơn Tân ngày xưa là đồng khô cỏ cháy, luá gieo khô một vụ chờ nước trời mà vụ này cũng đạt gần 66,8 tạ/ha. Kết quả đó là nhờ toàn bộ diện tích được chủ động nước tưới suốt cả vụ, sử dụng phân hữu cơ và giống lúa mới hợp lý, tạo ra độ đồng đều về thổ nhưỡng, trình độ canh tác của bà con nông dân từ ứng dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật, nhất là sử dụng giống mới, phòng trừ sâu bệnh…được nâng lên.
Được nghe một số bà con nông dân ở Nhơn Mỹ, Nhơn Khánh, Nhơn Phúc kể về chuyện thu hoạch lúa vụ Đông Xuân vừa rồi, không nơi nào có diện tích bị mất mùa, bà con nông dân ai cũng phấn khởi, nhưng do diện tích canh tác bình quân đầu người ít quá, chưa tới một sào đất lúa cho một người làm ruộng, có nơi chỉ vài ba trăm thước, thấp nhất là phường Đập Đá chưa được 200 m2/người, nên lúa được mùa mà sản lượng thóc hàng hóa không được bao nhiêu so với các tỉnh Nam Bộ. Có gia đình làm 5- 6 sào ruộng, năng suất đến 400 kg/sào, sản lượng thóc cũng chỉ được trên dưới 2,5 tấn lúa khô.
Vụ Đông Xuân này vừa được mùa, lại vừa được giá. Đầu vụ tư thương mua với giá lúa giao động từ 6.000- 6.200 đồng/kg, nhưng khi thu hoạch rộ và đến cuối vụ thì giá lúa tăng lên 7.800 đồng đến 8.000 đồng/ kg, nhưng tổng thu nhập cũng không nhiều, bởi chi phí sản xuất quá cao (máy móc, thủy lợi, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…), mỗi cân thóc bà con nông dân lấy công làm lãi cũng khoảng 4- 5 ngàn đồng, tức là mỗi sào được trên dưới 1,5 triệu đồng.
Cùng niềm vui với cả thị xã, bà con nông dân ở xã Nhơn Mỹ ai cũng phấn khởi vì lúa được mùa, nhưng tâm trạng chung là cũng chỉ “của ruộng đắp bờ”, làm ruộng xưa nay vẫn thế. Toàn xã gieo sạ 639,7 ha lúa, năng suất đạt 71,4 tạ/ha, tốt nhất là vùng ruộng ở các thôn như Hòa Phong, Tân Kiều, Đại Bình, Đại An, Tân Đức…, nhất là vùng ruộng giống gần 8 ha ở thôn Hòa Phong, nhiều hộ nông dân thu hoạch đạt 400- 450 kg/sào, tức là ruộng đạt 8- 9 tấn/ha. Vất vả nhưng vui vì được mùa, song đông đảo bà con nông dân vẫn trăn trở vì ruộng quá ít, khi hạt thóc vào nhà thì họ cân đối để đủ ăn giáp vụ, còn lại phải bán để trang trải chi phí sản xuất cả vụ đã qua và vụ sắp tới, chi tiêu những việc cần thiết trong gia đình như lo đau ốm, việc ơn nghĩa, việc học hành cho con...
Theo ông Nguyễn Văn Phục- Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nhơn Mỹ 1 thì vụ Đông Xuân được mùa cả trên chân ruộng giống và ruộng lúa thịt (lúa ngang) là ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi, đất đai được nghỉ ngơi thời gian dài, bà con xã viên sử dụng một lượng phân chuồng (cả phân bò, phân lợn, phân trâu) hoai mục khá lớn để bón lót, góp phần cải tạo đất tơi xóp, tăng độ màu mỡ cho đồng ruộng, mà trước đây người nông dân gần như không mặn mà gì với phân hữu cơ. Việc bà con nông dân trở lại sử dụng phân chuồng bón ruộng là yếu rất tố tích cực trong thâm canh để tiến tới một nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
Không chỉ được mùa lúa mà nhiều loại cây trồng khác cũng cho năng suất khá cao, nhất là đậu phụng được trồng trên vùng đất phù sa ven các nhánh sông Côn ở các xã Nhơn Mỹ, Nhơn Hậu, Nhơn Khánh…Đậu phụng Đông Xuân là cây công nghiệp ngắn ngày và là cây trồng chủ lực của nhóm cây có hạt chứa dầu, cả thị xã trồng 522 ha, diện tích tăng 50 ha, năng suất tăng gần 4 tạ/ ha so với vụ Đông Xuân năm ngoái. Giá đậu phụng do tư thương đến tận nhà mua cũng tăng từ 6- 8% so với vụ trước.
Vụ Đông Xuân năm nay được mùa khá trọn vẹn ở hầu hết các xã- phường, hy vọng vụ Hè Thu vừa gieo sạ xong, đang được chăm sóc tốt, cũng sẽ tiếp tục được mùa, góp phần giành thắng lợi trên mặt trận nông nghiệp cả năm 2021.