Tín hiệu lạc quan từ những ngày đầu năm
2022-04-05T12:13:22+07:00
2022-04-05T12:13:22+07:00
https://annhon.binhdinh.gov.vn/vi/news/kinh-te/tin-hieu-lac-quan-tu-nhung-ngay-dau-nam-62.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Thị xã An Nhơn
https://annhon.binhdinh.gov.vn/uploads/logoannhon.png
Sau 9 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần trong trạng thái bình thường mới, vừa đón tết vui xuân, vừa tiếp tục phòng chống đại dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, với tâm thế sẵn sàng ra quân để nhanh chóng khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội ngay từ những ngày đầu năm.
Từ mùng Bảy tết, tức ngày 7/2/2022, cả thị xã đã bắt tay vào công việc, không còn tình trạng đủng đỉnh “tháng giêng là tháng ăn chơi” như thời trước. Cán bộ, công chức, người lao động trở lại nhiệm sở, nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài thị xã. Trên địa bàn thị xã thì từ đồng ruộng đến công trường, các khu- cụm công nghiệp, làng nghề đều “xuất quân” với khí thế lao động sản xuất ngay từ những ngày hương vị và sắc xuân còn đang phảng phất.
Qua tiết Lập Xuân rồi, nhưng do ảnh hưởng không khí lạnh kéo dài ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ, khu vực Nam Trung bộ mát dịu, vừa nắng nhẹ, vừa đan xen những cơn mưa xuân nồng nàn, thi thoảng xuất hiện gió nồm non ngọt dịu gây cảm giác vừa ấm áp vừa se se lạnh thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Sau Tết, bà con nông dân ra đồng chăm sóc cây trồng, bơm thuốc phòng trừ sâu bệnh, bón phân định kỳ, thúc đòng cho hơn 7.100 ha lúa và làm cỏ cho trên 01 ngàn ha đậu phụng và rau màu các loại vụ Đông Xuân. Trong đó có 30 ha, là vụ thứ hai tiếp tục gieo trồng thử nghiệm giống lúa ST 25, tại các vùng sinh thái khác nhau ở Nhơn An 7 ha, Nhơn Phong 9,5 ha, Nhơn Thành 4 ha, Nhơn Mỹ 4 ha, Nhơn Hưng 3 ha được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Theo đánh giá sơ bộ của cơ quan chuyên môn và bà con nông dân ở các xã- phường thì giống lúa ST25 gieo trồng trên đồng ruộng An Nhơn vụ Đông Xuân phù hợp hơn vụ Hè Thu và nhìn chung giống lúa mới đang phát triển khá tốt. Đây là giống lúa được tổ chức Lương thực thế giới (Fao) xếp hạng là giống lúa gạo ngon nhất thế thế giới năm 2019, do hội đồng hương An Nhơn tại thành phố Hồ Chí Minh đưa về gieo trồng thử trên đồng đất An Nhơn, để rút kinh nghiệm đưa ra đại trà, tạo ra nguồn lương thực xuất khẩu đáng kể cho thị xã trong tương lai.
Không khí lao động sôi nổi nhất những ngày đầu năm có lẽ từ các nhà vườn trồng mai. Từ hơn 2.000 hộ gia đình ở các làng mai Nhơn An, Nhơn Phong đến hàng trăm hộ ở Nhơn Thành, Nhơn Hạnh, Nhơn Hưng, Nhơn Mỹ…nơi nào cũng tranh thủ thời tiết giữa tháng giêng trời râm mát, thuận lợi cho cây mai nhanh bén rễ, đâm chồi nảy lộc. Cả lao động chính và phụ, đàn ông và đàn bà đều có việc làm, lớp cho mai con vừa đủ tuổi vào chậu nhỏ, lớp sang chậu lớn thay đất mới, đôn gốc, tỉa cành, tạo dáng cho hàng vạn cây mai thuộc…Các nghệ nhân có tay nghề chuyên chăm sóc mai và nhũng lao động phụ giúp cũng được mùa. Các dịch vụ ăn theo càng hối hả cung cấp đất phù sa, phân chuồng hoai mục; những cơ sở đúc chậu xi măng đủ kiểu dáng, kích cỡ làm việc liên tục, đến các cửa hàng bán chậu men sứ. Và, dịch vụ cung ứng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh và kích thích cho mai phát triển ngày naò cũng đông khách. Cửa hàng Hai Hẹn ở phường Bình Định chuyên bán các loại chậu kiểng, nhưng có ngày cũng cháy hàng. Trước Tết Nhâm Dần các nhà vườn trồng mai phấn khởi, tất bậc bán mai với mức thu nhập cao chưa từng có, niềm vui ấy càng kích thích, thôi thúc sau tết họ tiếp tục đầu tư để mở rộng diện tích, tăng số lượng mai trồng mới, không chỉ tận dụng đất sân vườn, mà còn được phát triển trên ruộng lúa.
Những ngày đầu xuân, tin vui đến với những người trồng mai là tại thị xã, thủ phủ mai vàng Bình Định, Sở Khoa học công nghệ được sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) đã tổ chức hội thảo khoa học chỉ dẫn địa lý mai vàng Bình Định. Mục đích là bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho hai giống mai vàng đặc trưng là Giảo mai và Cúc mai, gắn với địa danh An Nhơn- Bình Định, không những phát huy giá trị sản phẩm, mà còn góp phần bảo vệ quyền sở hữu giống mai đặc trưng, nâng tầm mai vàng của xứ sở trồng mai. Chỉ dẫn địa lý giống như giấy thông hành cho sản phẩm, giúp người sản xuất lẫn người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, phân biệt được nguồn gốc mai vàng nơi này với các nơi khác.
Về sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đã thực sự hồi sinh sau nhiều tháng phòng chống dịch, không tính hơn 2.000 công nhân làm việc trong khu công nghiệp Nhơn Hòa của tỉnh, trên địa bàn thị xã còn có 107 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từ các cụm công nghiệp địa phương, trong đó có 81 doanh nghiệp nhỏ và các làng nghề truyền thống tiếp tục phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, với hơn 6.300 nông dân mặc áo thợ, riêng các cơ sở may mặc thu hút trên 1.000 lao động, sau tết đã có 97% số thợ may trở lại làm việc cho doanh nghiệp để có sản phẩm giao cho khách hàng đầu năm theo đơn đặt hàng. Các làng nghề truyền thống như bún Song Thằn, bún khô An Thái, bún tươi Ngãi Chánh, bánh tráng Trường Cửu, mộc mỹ nghệ Vân Sơn…đã nhộn nhịp tất bậc trở lại như những ngày cuối năm chạy hàng tết, nhất là những cơ sở sản xuất mặt hàng sản phẩm OCOP thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm. Sau giỗ tổ làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá vào ngày 12 tháng Giêng, 36 hộ chuyên nấu rượu ở làng Bàu Đá và các cơ sở sản xuất rượu xung quanh như công ty trách nhiệm hữu hạn tinh chế rượu BIDIR Hoàng Long, Hoàng Hảo, Hoàng Hậu, Thanh Tâm…càng hối hả lao động sản xuất theo yêu cầu thị trường sau tết.
Không chỉ những dự án, công trình trọng điểm của thị xã, mà các công trình dở dang và công trình mới ở các xã- phường, nhất là các khu đô thị mới liên phường Bình Định, Nhơn Hưng, Đập Đá, các xã chuẩn bị lên phường, các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao đều ra quân thi công từ ngày mùng Bảy tết, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tập trung đầu xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông nội hạt, một địa bàn sông nước mà cầu đường đã và đang dần khép kín cả thị xã và liên thông với các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, kết nối cả Nam- Bắc và Đông Tây của Tổ quốc.
Nối tiếp truyền thống anh hùng của quê hương An Nhơn, từ sáng sớm ngày 16 tháng Giêng (16/2), trong tiết trời đang xuân, 336 thanh niên ưu tú trong thị xã đã lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, trong đó có 70 thanh niên làm đơn tình nguyện gia nhấp quân đội, 26 thanh niên là đảng viên. Tuổi trẻ An Nhơn với tâm nguyện vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức rèn luyện, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng- anh bộ đội Cụ Hồ.
Tín hiệu lạc quan của những ngày đầu năm là bước dạo đầu tích cực, tạo niềm tin vững chắc, thúc đẩy cả thị xã hoàn thành nhiệm vụ vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế- xã hội cả năm 2022.