Tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh
TTN
2022-12-18T11:19:37+07:00
2022-12-18T11:19:37+07:00
https://annhon.binhdinh.gov.vn/vi/news/cac-tin-khac/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-chat-luong-cong-trinh-xay-dung-tren-dia-ban-tinh-544.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Thị xã An Nhơn
https://annhon.binhdinh.gov.vn/uploads/logoannhon.png
UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 14/11/2022 về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; có nội dung như sau:
Trong những năm qua, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đa số các công trình thi công hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu thiết kế đề ra, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phục vụ đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số công trình thi công xây dựng hoàn thành còn có khiếm khuyết về chất lượng, phải xử lý về kỹ thuật, mỹ thuật mới đủ điều kiện đưa công trình vào khai thác, sử dụng; một số công trình sau khi đưa vào sử dụng không được bảo trì dẫn đến nhanh xuống cấp; năng lực của một số nhà thầu thi công xây dựng, đơn vị tư vấn, ban quản lý dự án, chủ đầu tư còn hạn chế, việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng còn thiếu sót; công tác kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư, tư vấn giám sát chưa thường xuyên, liên tục; việc lập các hồ sơ tài liệu về quản lý chất lượng còn hạn chế; một số nhà thầu lựa chọn phương án, biện pháp thi công chưa phù hợp, chưa tuân thủ thiết kế được duyệt, đồng thời còn có sự chủ quan, thiếu tổ chức kiểm tra, đánh giá các điều kiện an toàn, ổn định của công trình trước khi tổ chức thi công; vẫn còn xảy ra sự cố công trình dẫn đến thiệt hại về tài sản, con người;…
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm theo quy định; chịu trách nhiệm về chất lượng công việc do mình thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng.
2. Chủ đầu tư
a) Lựa chọn hình thức quản lý dự án theo đúng quy định. Chịu trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng từ khâu khảo sát, thiết kế, thẩm tra, thẩm định, thi công và nghiệm thu, bảo hành và bảo trì công trình xây dựng;
b) Lựa chọn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm phù hợp với quy mô, loại, cấp công trình để thực hiện dự án;
c) Chỉ được triển khai thi công xây dựng khi bảo đảm các điều kiện khởi công xây dựng công trình theo quy định. Thực hiện nghiêm việc thông báo khởi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng;
d) Tăng cường tổ chức thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình; yêu cầu đơn vị giám sát thi công xây dựng công trình có trách nhiệm giám sát công việc của nhà thầu thường xuyên, liên tục; yêu cầu đơn vị tư vấn lập thiết kế xây dựng công trình thực hiện giám sát tác giả theo quy định;
đ) Tổ chức kiểm tra, thẩm tra, phê duyệt biện pháp thi công do nhà thầu thi công lập để tổ chức giám sát quá trình triển khai thi công của nhà thầu theo đúng biện pháp thi công được duyệt;
e) Tăng cường kiểm tra hiện trường để theo dõi, kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình, an toàn, vệ sinh lao động; kiên quyết xử lý những nhà thầu vi phạm về tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh lao động theo quy định. Tạm dừng hoặc đình chỉ thi công đối với nhà thầu thi công xây dựng khi chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn, vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động làm xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động;
g) Chủ đầu tư căn cứ quy mô, tính chất của từng công trình cụ thể để nghiên cứu tăng thời gian bảo hành lớn hơn thời gian tối thiểu quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Đối với các hạng mục công trình trong quá trình thi công có khiếm khuyết về chất lượng đã được nhà thầu sửa chữa, khắc phục thì thời hạn bảo hành của các hạng mục này có thể kéo dài hơn;
h) Chủ đầu tư phải tổ chức lập hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu việc thực hiện bảo hành của nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng thiết bị.
3. Đối với các nhà thầu thi công xây dựng
a) Đảm bảo điều kiện năng lực, kinh nghiệm theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình, an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình do mình thực hiện;
b) Trình chủ đầu tư phê duyệt biện pháp thi công đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận; triển khai thi công công trình xây dựng theo đúng giấy phép xây dựng (nếu có), thiết kế xây dựng, biện pháp thi công đã được phê duyệt. Nghiêm túc thực hiện ghi nhật ký thi công xây dựng công trình hàng ngày theo đúng diễn biến thực tế;
c) Dừng thi công xây dựng khi xuất hiện các yếu tố không đảm bảo an toàn lao động, an toàn công trình, chất lượng công trình, có nguy cơ xảy ra sự cố công trình. Chỉ được sử dụng các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sau khi đã được kiểm định theo quy định;
d) Nhà thầu chính hoặc tổng thầu phải tăng cường kiểm tra công tác thi công xây dựng đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện;
4. Các đơn vị tư vấn xây dựng công trình
- Phải có chứng chỉ năng lực, kinh nghiệm phù hợp theo quy định. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công việc do mình thực hiện.
- Đối với đơn vị tư vấn khảo sát xây dựng: Khối lượng, nội dung, yêu cầu kỹ thuật đối với công tác khảo sát phải phù hợp với nhiệm vụ khảo sát, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và bảo đảm trung thực, khách quan, phản ánh đúng thực tế.
- Đối với đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng:
- Hồ sơ thiết kế do mình thực hiện phải phù hợp nhiệm vụ, quy mô, giải pháp đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận; đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan.
- Chịu trách nhiệm, khắc phục các nội dung tồn tại (nếu có) do chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thẩm tra, cơ quan chuyên môn về xây dựng phát hiện trong quá trình thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán xây dựng công trình.
- Tăng cường công tác giám sát tác giả theo quy định.
- Đối với đơn vị tư vấn thẩm tra thiết kế, dự toán xây dựng công trình: Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm trong quá trình thực hiện việc thẩm tra thiết kế, dự toán xây dựng công trình. Nếu phát hiện hồ sơ thiết kế, dự toán xây dựng công trình có sai sót thì phải có trách nhiệm báo cáo chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế biết, điều chỉnh trước khi ban hành kết quả thẩm tra hồ sơ.
đ) Đối với đơn vị tư vấn giám sát:
- Việc tổ chức giám sát phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, trung thực. Người thực hiện việc giám sát thi công xây dựng công trình có trách nhiệm giám sát công việc của nhà thầu thường xuyên, liên tục.
- Kiểm tra biện pháp thi công xây dựng của nhà thầu so với hồ sơ thiết kế biện pháp thi công đã được phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, soát xét lại các bản vẽ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan trong quá trình thực hiện nghiệm thu.
- Kiên quyết không chấp nhận nghiệm thu, yêu cầu nhà thầu thi công tạm dừng thi công khi phát hiện các yếu tố vi phạm về chất lượng công trình, an toàn công trình, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng.
5. Sở Xây dựng, các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành và Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh
a) Tăng cường phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với chất lượng công trình xây dựng; nâng cao hiểu biết đối với các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, an toàn lao động trong thi công công trình xây dựng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng thuộc chuyên ngành, địa bàn quản lý;
b) Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra các điều kiện khởi công công trình xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công theo thẩm quyền;
c) Kiên quyết xử lý theo thẩm quyền, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, quản lý chất lượng công trình, an toàn lao động trong công trình;
d) Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng theo đúng quy định của pháp luật;
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến kiến thức pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng;
b) Chủ trì thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn lao động, việc sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại công trình xây dựng. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Tăng cường phổ biến, hướng dẫn các quy định về phân công và phân cấp thẩm định, quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động trong thi công công trình xây dựng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng trong hoạt động đầu tư xây dựng cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn;
b) Thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý trật tự xây dựng, các quy định phân công, phân cấp trách nhiệm về thẩm định hồ sơ thiết kế, quản lý chất lượng công trình xây dựng (kể cả nhà ở riêng lẻ) trên địa bàn;
c) Chỉ đạo kiện toàn, nâng cao năng lực của các phòng chuyên môn, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao;
đ) Có biện pháp xử lý, đề xuất xử lý hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý chất lượng và an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn;
e) Triển khai việc thực hiện nội dung chỉ thị này đến các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn quản lý.
8. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
a) Thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý trật tự xây dựng, các quy định về phân công và phân cấp thẩm định;
b) UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm trật tự xây dựng theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp trên xử lý trường hợp vượt quá thẩm quyền; xử lý cán bộ, công chức dưới quyền được giao quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm.
9. Báo Bình Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định
Tăng cường thời lượng, bản tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác quản lý chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trên công trình xây dựng để nhân dân tham gia giám sát, kịp thời phát hiện, phản ánh các sai phạm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý; tổ chức phát sóng một số chương trình, chuyên đề về công tác quản lý chất lượng và an toàn lao động công trình xây dựng trên đài truyền hình; đồng thời giới thiệu, biểu dương các công trình điển hình về chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường để phát huy, nhân rộng.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng công trình; các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị, kịp thời tham mưu đề xuất, báo cáo UBND tỉnh.