Luật Người khuyết tật nước ta quy định: Người khuyết tật được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, sống độc lập, hòa nhập cộng đồng, được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và các dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật. Luật cũng nghiêm cấm hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật… Nhờ vậy, mà người khuyết tật và trẻ mồ côi tại Việt Nam đã và đang được trợ giúp, tiếp cận được nhiều dịch vụ tiện ích, từng bước cải thiện điều kiện sống, vươn lên, vượt qua số phận, dần xóa bỏ mặc cảm, tự tin hơn vào khả năng của chính mình để hòa nhập cộng đồng. Đã có không ít người khuyết tật và trẻ mồ côi nỗ lực vươn lên, vượt qua số phận, thành công trên nhiều lĩnh vực và tạo dựng được cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Theo Hội Bảo trợ Người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em thị xã An Nhơn: hiện nay, trên địa bàn thị xã có trên 10 ngàn người khuyết tật, trong đó, có hơn 6 ngàn người khuyết tật nặng, gần 4 ngàn người khuyết tật nhẹ và có hơn 700 trẻ em khuyết tật. Hội Bảo trợ Người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em thị xã chính là cầu nối giữa các đối tượng kém may mắn, yếu thế nhất trong xã hội này với Nhà nước và các mạnh thường quân, đã trợ giúp cho những người bất hạnh được tiếp cận được nhiều dịch vụ tiện ích, được hưởng nhiều quyền lợi hơn, để từ đó, giúp họ dần cải thiện được cuộc sống.
Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các hội đoàn thể từ thị xã đến xã phường, người khuyết tật và trẻ mồ côi trên địa bàn thị xã được chăm lo ngày càng tốt hơn. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài chế độ trợ cấp thường xuyên hàng tháng, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em thị xã đã phối hợp với các các cơ quan, tổ chức, đơn vị tài trợ của tỉnh, thị xã và các xã phường trực tiếp thăm hỏi, trao tặng hơn 200 suất quà với tổng số tiền là hơn 67 triệu đồng cho người khuyết tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã vào các dịp Lễ,tết để góp phần động viên, chia sẻ, giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, nhân ngày Người Khuyết tật Việt Nam 18/4/2023 này, thị xã An Nhơn tổ chức chương trình giao lưu, tọa đàm về các chính sách đối với người khuyết tật và tổ chức trao tặng 155 suất quà với tổng số tiền hơn 47 triệu đồng cho người khuyết tật trên địa bàn thị xã.
Không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, thăm hỏi tặng quà người khuyết tật, thị xã An Nhơn còn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tuyên truyền trên hệ thống đài tuyền thanh, treo băng rôn, pano, áp phích tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở UBND xã, phường và các địa điểm phù hợp. Từ đó, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng, toàn xã hội phát huy tinh thần trách nhiệm , tích cực tham gia công tác trợ giúp cả vật chất và tinh thần, chăm sóc người khuyết tật, nhất là người khuyết tật nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn góp phần tạo cơ hội cho người khuyết tật tự vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh đó, tùy vào tình hình thực tế của địa phương để tổ chức hoạt động thiết thực hỗ trợ, chăm sóc người khuyết tật trong các lĩnh vực xã hội, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, tiếp cận và sử dụng các phương tiện giao thông và công trình xây dựng công cộng, hòa nhập cộng đồng.
Chăm lo cho người khuyết tật là đạo lý, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mọi người và của cả cộng đồng, để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao cần có sự tham gia chung tay của toàn xã hội. Trong đó, các đơn vị, các cơ quan, doanh nghiệp… là đơn vị đầu mối, trọng tâm và khi chăm lo cho người khuyết tật cần đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người khuyết tật, không phân biệt đối xử với họ.
Hy vọng rằng, mỗi người dân trên địa bàn thị xã nói riêng, toàn xã hội nói chung bằng những hành động thiết thực, phát huy đạo lý “ Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” cùng sẻ chia, giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi, giúp họ vơi đi những mặc cảm, khó khăn, để vươn lên trở thành những tấm gương sống đầy nghị lực, có ích cho xã hội.