LÒ GỒM CỔ GÒ SÀNH
Gò Sành hay xóm Sành là tên gọi của một xóm nhỏ thuộc thôn Phụ Quang, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn. Từ lâu, làng quê này đã trở thành điểm tham quan tìm hiểu của giới nghiên cứu gốm cổ trong nước và quốc tế. Nằm cạnh quốc lộ nối liền Quy Nhơn với Tây Nguyên, vị trí Gò Sành rất thuận lợi cho những ai có dự định đến thăm.
Người dân Phụ Quang kể rằng, trong khi đào đất xây dựng hoặc canh tác họ thường gặp những vùng đất ken dày những mảnh gốm sứ với nhiều loại hình như bát, đĩa, cốc còn nguyên vẹn. Họ không biết những sản phẩm ấy đã vùi lấp từ bao giờ và ai là chủ nhân của chúng, nhưng họ đoán chắc đó là những cổ vật.
Vào khoảng những năm 70, đồ gốm Gò Sành đã theo chân giới buôn bán đồ cổ đi đến nhiều vùng và gây được sự chú ý của những nhà nghiên cứu gốm cổ Việt Nam và thế giới.
Tháng 3 năm 1974 một đoàn khảo cổ học từ Sài Gòn đã đến Phụ Quang để tìm hiểu nghiên cứu. Tuy chưa có cuộc khai quật nào tại Gò Sành nhưng họ đã đưa ra giả thuyết về chủ nhân những đồ gốm Gò Sành là người Chăm.
Hơn 10 năm sau, những hiện vật gốm Gò Sành lại được nhắc đến. Dựa vào những hiện vật gốm có nguồn gốc từ Gò Sành trong bộ sưu tập của Hà Thúc Cần, trong luận văn tiến sĩ của mình, Rosana Brown - một chuyên gia nghiên cứu gốm cổ Đông Nam Á đã giành một chương viết về đồ gốm và khu lò gốm Gò Sành. Từ những thông tin trên, Viện khảo cổ học Hà Nội, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã hoạch định một chương trình nghiên cứu lâu dài tại Gò Sành và toàn bộ di tích gốm cổ trên đất Bình Định. Cho đến trước năm 2000 đã có 4 cuộc khai quật được tiến hành liên tục tại khu di tích này.
Các khu lò gốm Bình Định tính đến nay có 5 nhóm. Ở thị xã An Nhơn có Gò Sành, Gò Cây Ké, Gò Hời. Tất cả các khu di tích này đều nằm dọc hai bờ sông Kôn chảy vào vịnh Thị Nại (cảng Quy Nhơn ngày nay) - một vị trí thuận lợi để vận chuyển bằng đường thủy.
Những cuộc khai quật khảo cổ tại Gò Sành được thực hiện vào các năm 1991, 1992, 1993. Đến năm 1994 bên cạnh các nhà khoa học Việt Nam, có thêm sự hợp tác của các học giả Nhật Bản. Trong số các di chỉ lò đã được xác định ở 5 vị trí thuộc phạm vi vùng Vijaya trước đây, lò số 1, số 2 và 3 ở Gò Sành.
Lò số 1: Có tên là lò Cây Quăng. Hiện lò còn khá nguyên vẹn, từ tường lò, nền lò và sản phẩm nung cuối cùng của lò này. Lò có dạng hình ống có tổng chiều dài 14m. Buồng lò hình chữ nhật, mở rộng dần về phía cuối, đo được 1,6m; chiều rộng ở phía trước đó được 2,8m; ở phía sau và chiều dài thêm 10m. Ở một bên tường lò chứa một cửa để vào xếp và dỡ sản phẩm. Một bức tường thẳng cao 0,5m tách riêng phần buồng lò và bầu đốt, chỗ tường phía cuối lò cũng xây bằng những bao nung, để thoát lửa và khói được xếp thành hàng ngang với 6 lỗ trống. Hai lớp nền thuộc hai thời kỳ khác nhau được phân biệt rõ ở phần buồng lò, với lớp nền dày 0,3m. Tường lò được xây bằng bao nung, nhồi đất sét kín ở bên trong. Đây là kỹ thuật xây lò rất mới mà các nhà nghiên cứu, trước đây chưa thấy xuất hiện ở đâu khác trên đất Việt Nam.
Lò số 2: Có tên là lò Cây Mận (Cây Roi). Khu lò nằm ở phía Nam của Gò Sành. Về kỹ thuật giống như lò số 1 (lò Cây Quăng), tường lò cũng xây bằng những bao nung lèn đất và cách sắp xếp cột chia lửa trong bầu đốt cũng tương tự như vậy.
Lò số 3: Nằm dưới lò số 2. Theo đánh giá của giới nghiên cứu, đây là lò có niên đại xây dựng sớm nhất. Tường lò số 3 không làm bằng vật liệu bao nung mà hoàn toàn bằng đất. Lò rộng 1,2m chỗ gần bầu đốt, 1,7m ở phía sau. Chiều dài thân lò 5,3m. Ở cuối tường mở 4 lỗ trống thoát khói. Ống khói nhỏ, góc thoát lên trên, lối dẫn lửa vào nằm ở cùng độ sâu với buồng lò cho phép lửa từ bầu đốt đi lên. Đây là kiểu đốt lửa độc đáo của người Chăm mà trước đây chưa thấy một tư liệu nào nói đến.
Hiện nay, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định thu thập và lưu giữ một sưu tập khá phong phú các sản phẩm gốm Gò Sành. Xem xét và nghiên cứu bộ sưu tập này có thể giúp ta hình dung rõ nét hơn về vai trò của di tích khu lò gốm này trong lịch sử. Sản phẩm sành sứ chủ yếu được sản xuất tại đây bao gồm các loại bát, đĩa, chậu tráng men, ngói không men và vật trang trí kiến trúc. Những chiếc bát đĩa tráng men Celadon và bình hũ tráng men nâu thể hiện đặc điểm tương tự với sản phẩm các lò Phúc Kiến (Trung Quốc)
Những sản phẩm được sản xuất ở Gò Sành phần lớn xương có màu xám mực, đỏ nhạt, kỹ thuật giai đoạn sớm dùng con kê, men tráng gần sát đáy, giai đoạn muộn dùng kỹ thuật ve lòng. Men gốm dày đều và màu men không ổn định đã tạo ra một sắc thái riêng cho gốm Gò Sành.
Những thông tin gần đây cho biết, gốm Gò Sành Bình Định sản xuất ra không chỉ để phục vụ tại chỗ mà còn tham gia vào thị trường xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và xa hơn là Ai Cập. Trong số những hiện vật tìm thấy trên con tàu đắm ở quần đảo Calatagan ngoài khơi đảo Pantanan thuộc Philipphines có tới hàng ngàn đồ gốm Gò Sành.
Cho đến nay chưa có đủ tư liệu để khẳng định một cách chắn chắn niên khởi đầu cho việc sản xuất đồ sành xứ ở Gò Sành nói riêng và của người Chăm nói chung, nhưng qua những kết quả khai quật khảo cổ tại Gò Sành và ở nước ngoài có thể thấy rằng giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghề sản xuất sành sứ ở đây nằm trong khoảng thế kỷ XV-XVI. Có một số chuyên gia Việt Nam cho rằng khởi điểm của việc sản xuất gốm Bình Định có thể bắt đầu từ cuối thế kỷ XIII đến thế kỷ XV, chậm lắm là đến thế kỷ XVI.
Căn cứ vào các tư liệu lịch sử liên quan đến quá trình hình thành và phát triển vùng đất Bình Định, phân tích loại hình các sản phẩm được sản xuất ra, so sánh những mô tiếp trang trí trên các hiện vật với những tư liệu điều tra dân tộc học có thể đi tới kết luận: chủ nhân lò gốm Gò Sành và các khu lò gốm cổ khác ở Bình Định không ai khác ngoài người Chămpa cổ.
Có thể nói rằng, việc khai quật nghiên cứu gốm Chăm được xem như thành tựu đáng ghi nhận của ngành khảo cổ học Việt Nam. Từ những thành tựu nghiên cứu này, gốm Gò Sành hay nói rộng ra gốm cổ Bình Định đã làm phong phú thêm những nhận thức về đồ gốm trên thế giới.