Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo thị xã An Nhơn cho biết, năm 2022, UBND thị xã đã tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thị xã (theo giá so sánh) ước đạt 21.580,3 tỷ đồng, tăng 16,56% so với cùng kỳ. Hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn của thị xã tiếp tục được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới. Văn hoá-xã hội nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân tiếp tục ổn định. Quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thị xã được đảm bảo.
2 tháng đầu năm 2023, kinh tế của thị xã An Nhơn tiếp tục tăng trưởng, tổng giá trị sản phẩm ước đạt hơn 3.622 tỷ đồng, đạt 15,7% kế hoạch năm; thu ngân sách đạt hơn 198,6 tỷ đồng, đạt 17,4% kế hoạch năm. Tổng chi ngân sách thị xã hơn 81 tỷ đồng, đạt 7,2% kế hoạch năm. Trong đó giải ngân vốn đầu tư công 58,56 tỷ đồng, đạt 8,6% kế hoạch.
Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn báo cáo tại buổi làm việc
Năm 2023, thị xã An Nhơn đặt ra một số chỉ tiêu phấn đấu như: Tổng giá trị sản phẩm đạt trên 22.930 tỷ đồng; Tốc độ tăng giá trị sản phẩm đạt 7,75%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 72 triệu USD; Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.140 tỷ đồng; Giảm hơn 1,8% tỷ lệ nghèo đa chiều; Tạo việc làm mới cho 2.000 lao động; Tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đạt 90%; Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 100%; 6 xã đạt tiêu chuẩn trở thành phường và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, thị xã sẽ tập trung hoàn thành các tiêu chí để lập thủ tục, hồ sơ trở thành thành phố vào năm 2024.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác của tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành cũng đề xuất với thị xã An Nhơn giải quyết một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục như nâng tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch khu vực nội thị, nông thôn; cải thiện môi trường ở một số cơ sở sản xuất và khu dân cư; công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị; công tác cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời trao đổi các kiến nghị của thị xã với tỉnh như: bổ sung kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 về nâng cấp mở rộng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã; xem xét điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Gia Lai – Bình Định đoạn qua địa bàn xã Nhơn Mỹ; sớm cho chủ trương thành lập CCN Tân Nghi và có giải pháp về giá cho thuê đất tại các CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư; đẩy nhanh triển khai các hạng mục công trình đã được quy hoạch tại khu di tích Thành Hoàng Đế; thu hút doanh nghiệp khai thác tiềm năng du lịch Hồ Núi Một và xây dựng tuyến đường kết nối với khu Becamex VSIP Bình Định, sân bay Phù Cát; xây dựng một số công trình y tế, thể thao trên địa bàn thị xã.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH của thị xã An Nhơn thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, An Nhơn có rất nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa để phát triển năng động trong tương lai. Tuy nhiên, để thị xã An Nhơn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2024, thị xã cần phải nỗ lực hơn nữa, nhất là cần phải thay đổi tư duy trong việc đưa ra định hướng, cách làm theo hướng mới, hiện đại và đột phá. Trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu thị xã An Nhơn phải khẩn trương hoàn thành quy hoạch đô thị theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, tạo ra bộ mặt đô thị hoàn chỉnh. Tập trung rà soát, phân tích, đánh giá thật kỹ các tiêu chí còn thiếu, trên cơ sở đó đề ra lộ trình, thời gian, kế hoạch và giải pháp thực hiện cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh cũng gợi ý, thị xã cần tính toán, phát triển các khu đô thị, thành phố ven hệ thống sông Kôn chạy qua địa bàn.
“Muốn xây dựng thành phố đẹp, hiện đại thì không thể suy nghĩ manh mún, mà phải có tính toán tổng quan, cụ thể, phải quy hoạch mang tính lâu dài, bền vững. Do vậy, yêu cầu toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị, chính quyền, nhân dân phải đoàn kết, quyết tâm cao để chung sức, đồng lòng thực hiện. Phải tính toán từng phần việc cụ thể, làm việc nào xong việc đó theo lộ trình trước mắt và lâu dài!” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Liên quan đến các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, địa phương cần có giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ -du lịch. Hiện tại An Nhơn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, địa phương cần tôn tạo, trở thành điểm đến cho du khách, đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn, trong đó tập trung khai thác tiềm năng du lịch từ hệ thống di sản văn hóa, làng nghề đặc trưng. Về phát triển công nghiệp – xây dựng, thị xã tiến hành rà soát lại toàn bộ các cụm công nghiệp, ưu tiên di dời hết về phía Tây thị xã. Các cụm công nghiệp mới phải có quy hoạch, đầu tư hạ tầng chuẩn, có tiêu chí cụ thể, định hướng lĩnh vực thu hút đầu tư hiệu quả. Về nông nghiệp, địa phương cần tổ chức quy hoạch, hướng dẫn nông dân phát triển chăn nuôi tập trung và phát triển làng nghề gắn với du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị thị xã An Nhơn tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông mang tính kết nối; hạ tầng cấp, thoát nước đô thị; thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường, thu gom chất thải rắn; tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị. Về an sinh xã hội, cần phân tích nguyên nhân, triển khai cụ thể các giải pháp hỗ trợ để giảm nghèo, đồng thời cải thiện điều kiện sống của người dân địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tiếp tục lưu ý lãnh đạo thị xã An Nhơn thay đổi tư duy, nhận thức hiện đại, đột phá, có ý tưởng mới trong tiến trình xây dựng An Nhơn lên thành phố. Chính quyền thị xã phải thay đổi cách tiếp cận từ bị động sang chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, cụ thể tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển. Đồng thời phân công trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể, tránh chung chung; cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó lưu ý ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị thị xã quan tâm tới công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm khi chuyển đổi mô hình chính quyền từ thị xã lên thành phố, cán bộ khối chính quyền phải đào tạo bài bản trước khi luân chuyển công tác…
Với các kiến nghị, đề xuất của thị xã An Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản nhất trí, và giao cho các sở, ngành liên quan phối hợp triển khai kịp thời. Đồng thời cho biết tỉnh sẽ cân đối ngân sách để bố trí đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu, tạo tiền đề vững chắc để An Nhơn đảm bảo các điều kiện để sớm trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (thứ 2 từ phải qua) thăm DN hoạt động tại Cụm công nghiệp Đồi Hỏa Sơn, xã Nhơn Mỹ
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và đoàn công tác đã đến thăm tình hình sản xuất của các hộ dân tại làng nghề rượu Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc; kiểm tra tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại Cụm Công nghiệp Đồi Hỏa Sơn, xã Nhơn Mỹ; khảo sát tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng, phường Đập Đá và tham quan dự án Khu đô thị, thương mại Tây Bắc, phường Bình Định. Tại các nơi đến thăm, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như thực hiện các dự án của các đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thăm (thứ 3 từ trái qua) tham quan dự án Khu đô thị, thương mại Tây Bắc, phường Bình Định.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (bên phải) thăm hộ gia đình nấu rượu Bàu Đá ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc và chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác
Tác giả bài viết: Theo binhdinh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc