Vậy mà, sau mấy năm phấn đấu, Nhơn Phong đã tăng tốc về đích xã nông thôn mới nâng cao vào đầu năm 2022, dẫn đầu các xã nông thôn trong thị xã An Nhơn và được bổ sung, đưa vào quy hoạch một trong 6 xã lên phường vào cuối năm 2024. Bước vào năm mới, cán bộ và Nhân dân xã Nhơn Phong vui mừng phấn khởi trước thành quả của chính mình làm nên, càng làm cho không khí đón xuân bừng lên sức sống mới, tràn đầy niềm tin.
Sau tiết Lập Xuân, Tết cổ truyền dân tộc, tôi và một người bạn là nhạc sĩ theo con đường liên huyện từ Quốc lộ 1 xuống Tuy Phước về thăm Nhơn Phong, xứ sở Chùa Bà. Từ đầu thôn Thanh Giang đi qua thôn Trung Lý trung tâm xã, phố chợ Cảnh Hàng xuống đến thôn Liêm Lợi cuối xã, rồi quành vào các thôn Kim Tài, Tam Hòa ở phía nam, dọc hai bên đường và trong sân vườn nhà dân đâu đâu cũng vàng rực hoa mai khoe sắc màu đón xuân, cả xã là một rừng hoa, bởi Nhơn Phong là nơi có số lượng mai xuân xấp xỉ thủ phủ hoa mai Nhơn An của An Nhơn.
Vừa gặp đồng chí Đinh Thanh Trình đã nghe anh chủ tịch xã trẻ niềm nỡ thông báo: Đến ngày 20/1/2024, tức là 20 tháng Chạp, người trồng mai ở Nhơn Phong đã thu nhập hơn 22 tỷ đồng từ bán mai, dự kiến mùa mai tết năm nay sẽ bán được khoảng từ 30 tỷ, thấp hơn con số doanh thu 56 tỷ tết năm ngoái. Mặc dù thời tiết năm 2023 trong thị xã rất thuận lợi cho việc chăm sóc cây mai, mai vàng phát triển khá tốt, dáng thế hấp dẫn và giống mai nở rất đẹp, nghệ nhân Nhơn Phong đưa 35 chậu mai tham gia triển lãm mai vàng nghệ thuật mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn tại Trung Định- Nhơn An. Nhưng nhìn chung thị trường mai năm nay ít nhộn nhịp, sức mua thấp hơn năm ngoái, vì ảnh hưởng tình hình khó khăn chung, thường mọi năm vào những ngày giữa tháng Chạp lái buôn mai từ các tỉnh phía Bắc vào mua nhiều, nhưng năm nay miền Bắc rét kéo dài nên hạn chế khách hàng mua sỉ- Chủ tịch Trình giải thích.
Thế nhưng, tuy thu nhập của người trồng mai tết năm nay không bằng tết năm ngoái và những năm trước, song vẫn là nguồn thu nhập đáng kể so với bà con nông dân làm ruộng và chăn nuôi, nhiều gia đình nghệ nhân trồng mai có của ăn của để, bứt phá lên khá giả, nhất là các thôn Trung Lý, Liêm Lợi, Thanh Giang, Tam Hòa, Kim Tài.
Tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt, khởi sắc của Nhơn Phong. Không ngỡ ngàng sao được, vì từ một miền quê bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề ở khu Đông, nhưng sau hòa bình non một thế kỷ, sức người đã làm hồi sinh một vùng đất chết. Màu xanh của lúa, của cỏ cây, hoa trái đến nhà cửa, công sở, trường học, công viên văn hóa, tượng đài chiến thắng, trạm xá, chợ búa, nhà hàng, quán xá…đã mọc lên từ những hầm pháo, hố bom, dấu vết bánh xích xe tăng. Mạng lưới giao thông ngang dọc kết nối vùng, liên vùng hàng chục cây số đã và làm cho Nhơn Phong bừng lên sức sống để được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của thị xã An Nhơn.
Kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, một thành tựu bền vững đã tạo đà, tạo thế cho điểm sáng Nhơn Phong vươn lên trên những chặn đường tiếp theo. Đây là kết quả tổng hợp, bắt nguồn từ ý Đảng hợp lòng dân, bởi suy cho cùng toàn bộ 13 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao là 13 nhóm lĩnh vực đều thiết thực đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Cả hệ thống chính trị và người dân nhận rõ quyền lợi và trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, đồng lòng chung sức, phát huy vai trò chủ thể của người dân khi “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, dấy lên phong trào thi đua trong toàn xã.
Thực tiễn cho thấy, nếu không có sự xắn tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xã thì khó mà thực hiện hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới một cách tròn trịa... Nhất là việc vận động giải phóng mặt bằng để mở rộng thêm gần 20 cây số đường nhựa, đường bê tông cho các tuyến đường từ trung tâm xã kết nối với tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn và hàng chục cây số và cứng hóa hàng chục cây số trục chính nội đồng. Kiên cố hóa 54 tuyến kênh mương, với chiều dài hơn 30 cây số, đảm bảo chủ động tưới tiêu, góp phần tăng năng suất, sản lượng lúa và các loại hoa màu. Năm 2023, Nhơn Phong được mùa, năng suất lúa bình quân 73,12 tạ/ha, thuộc nhóm nhất nhì trong thị xã.
Xã Nhơn Phong chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất, trên cơ sở đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao trên đơn vị diện tích canh tác. Không chỉ hợp tác xã nông nghiệp, năm 2020 Nhơn Phong còn thành lập hợp tác xã dịch vụ mai vàng bước đầu hoạt động hiệu quả. Xã quy hoạch hơn 30 ha giành cho trồng mai tập trung, cùng với diện tích mai trồng trong vườn nhà lên tới gần 100 ha. Đồng thời khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống và mở mang dịch vụ, nhất là khu trung tâm phố chợ Cảnh Hàng cũ, chợ Cảnh Hàng mới và những nơi đông dân cư. Từ một xã thuần nông, nhưng đến năm 2023 tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đã chiếm xấp xỉ 50% trong cơ cấu kinh tế của xã, tiếp tục nâng cao hơn nữa vào năm 2024 và những năm tiếp theo.
Sản xuất phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 10,8%, vượt kế hoạch 0,3%; thu nhập bình quân đầu người 56,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo từ còn 1,6%, gần 100% hộ dân được sử dụng nước sạch từ nhà máy, 7/7 thôn với 96% hộ dân đạt danh hiệu văn hóa…Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa- xã hội, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nhất là các công trình đã được nhà nước công nhận di tích văn hóa- lịch sử như Miếu Bà, khu thảm sát Kim Tài và các loại hình văn hóa phi vật thể như nghệ thuật bài chòi, hát bội, múa lân, xổ cổ nhơn, thơ ca hò vè…
Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đã đến, từng cánh hoa mai nở rộ khoe sắc màu tươi thắm đón xuân, hòa quyện với không khí rạo rực của mùa lễ hội Miếu Bà, mở hội Cổ Nhơn gắn với hội xuân vào giữa tháng giêng, làm cho ngày tết ở Nhơn Phong như kéo dài, không gian phường mới đang đến gần càng thêm tươi đẹp, thật đáng sống./.