Tôi về đến nhà thì mọi thứ như ba lô, áo quần, võng, tấm đắp,... đã chuẩn bị sẵn, tôi chỉ kịp mang ba lô và theo đoàn cán bộ đi luôn trong đêm. Trước khi đi, ông nội của tôi năm đó đã hơn 80 tuổi dặn tôi, ông có ba đứa cháu nội trai đi theo cách mạng, mà các cháu đã đi thì phải làm tròn phận sự của người con trai, làm trai cho đáng nên trai.
Tôi công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy Bình Định. Ở đó, tôi đã nhận được sự giáo dục, giúp đỡ rất thân tình của các đồng chí trong cơ quan, sự gần gũi của các đồng chí lãnh đạo đã tiếp thêm cho tôi niềm tin và sự trưởng thành về nhận thức.
Có đợt tôi bị sốt rét kéo dài, mỗi lần bước xuống võng tôi đều phải chống gậy để đứng và đi. Và những lần như vậy, tôi luôn nhận được những lời động viên, chia sẻ của các đồng chí trong cơ quan.
Sau một thời gian, tôi được lãnh đạo giao thêm nhiệm vụ làm công tác tổng hợp tình hình. Đây là công việc mới mẻ và tuy đã được các đồng chí lãnh đạo chỉ dạy rất chi tiết, rất cụ thể nhưng sự hiểu biết của tôi còn nhiều hạn chế nên thường là tôi phải làm đến 3, 4 giờ sáng mới xong việc.
Cũng từ đó, tôi được “ưu tiên” cấp chiếc điện thoại để làm việc. Lúc đầu chiếc điện thoại hộp màu đen, hình chữ nhật, nặng khoảng 5 - 6 kg, sau đó các anh bên giao bưu thay cho chiếc điện thoại nhẹ hơn có hình dáng như chiếc xe con.
Được tiếp cận nhiều thông tin và có những thông tin quan trọng song nhiệm vụ giữ bí mật lại quan trọng hơn nên trong lòng tôi vừa mừng nhưng cũng vừa lo khi khối lượng công việc của những tháng cuối năm 1974 và đầu năm 1975 càng về sau càng nhiều và càng khẩn trương, nhất là vào khoảng tháng 2 năm 1975, địch đã đưa Trung đoàn 47 của Sư đoàn 22 ngụy về Bình Khê, tăng cường lùng sục, phục kích chốt chặn các tuyến đi của ta.
Đêm ấy – đêm ngày 3 tháng 2 năm 1975, khoảng 3 giờ sáng đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đến chỗ tôi và đưa cho tôi ly bột đậu xanh đã chín, bảo tôi ăn để có sức mà làm, rồi đồng chí lên võng nằm nghỉ.
Khoảng hơn 5 giờ sáng, chuông điện thoại trên bàn làm việc reo lên, tôi nhấc máy và nghe các anh bên Tỉnh đội báo tình hình: chiến dịch đã mở màn ở Thượng Giang thuộc huyện Bình Khê (ngày nay là huyện Tây Sơn) và cứ 5, 10 phút các anh lại báo, ta đã làm chủ ở các chốt.
Tin thắng trận dồn dập được báo về, lòng tôi vui mừng khôn tả. Chưa kịp quay lại báo cáo cho đồng chí Phó Bí thư thì đã nghe đồng chí hỏi diễn biến tình hình sau khi tôi báo cáo xong thì đồng chí đã bảo soạn văn bản gửi ngay cho các Huyện ủy và Thị ủy Quy Nhơn báo tin chiến thắng nhưng phải nhớ nhắc đây mới là thắng lợi bước đầu nên không được chủ quan mà cần phải khẩn trương và tập trung triển khai nhiệm vụ, đồng thời phối hợp với các đơn vị bạn tiến công địch để tạo thế và lực, vận động nhân dân nổi dậy liên tục và mạnh mẽ hơn nữa phá thế kìm kẹp của địch, bao vây bức chốt, kêu gọi binh lính đào, bỏ ngũ trở về với gia đình, về với bà con làng xóm.
Với khí thế tiến công cách mạng: xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện cũng như phát huy tối đa hiệu quả của những cú đấm thép của Sư đoàn 3 Sao Vàng; sự phối hợp ngày càng nhịp nhàng và tốt hơn giữa bộ đội tỉnh, bộ đội huyện, du kích các xã và sự nổi dậy của quần chúng Nhân dân, cho nên sau gần một tháng, kể từ ngày mở màn chiến dịch, ngày 04/3/1975, huyện An Nhơn đã hoàn toàn giải phóng.
Vậy là hơn 20 năm đấu tranh gian khổ, giờ đây cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân huyện An Nhơn mới có trọn vẹn niềm vui, reo mừng thắng lợi của quê hương.