Làng nghề truyền thống Gốm Vân Sơn, Nhơn Hậu

Thứ tư - 13/04/2022 08:18 3.406 0
Làng nghề truyền thống Gốm Vân Sơn, Nhơn Hậu
     Từ phường Đập Đá ngược lên hướng Tây chừng 2km là đến làng gốm Vân Sơn, một trong những làng nghề truyền thống cổ nhất của Bình Định còn giữ được đời sống, giữ được hơi thở làng nghề đến nay.
     Ngày xưa trung tâm làng gốm nằm sâu trong xóm An Xuân, thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn. Cách đây chừng 70 năm, đất sét tốt để làm nguyên liệu ở vùng này cạn kiệt, trung tâm làng gốm phải nhích ra cho gần vùng nguyên liệu mới, làng gốm Vân Sơn đã hình thành như thế. Rồi mấy năm gần đây, đất bản địa cũng ít dần nhưng nay người ta không cần dời làng nữa.
 
 
Một góc làng Gốm Vân Sơn.

1.    
     Dân Vân Sơn không dời làng không phải vì họ chuyển nghề. Mà ngược lại, do đường sá nay đã tốt hơn, giá thành vận chuyển nguyên liệu đã rẻ hơn, nhiều người cung cấp hơn. Chỉ cần alô thỏa thuận giá cả, thời gian giao hàng là nhà cung cấp ở nơi khác, ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn chẳng hạn, sẽ cung cấp đủ.
     Bây giờ cái nghề làm gốm đất nung, hay như cách dân địa phương hay gọi là đồ đất không còn phồn thịnh như xưa nữa. Nhưng cũng không đến nỗi quá eo xèo. Theo những chuyến xe lửa, theo những chuyến ô tô, nồi đất, chậu đất, ấm đất, lò đất, siêu sắc thuốc...  lại đi xa. Một chị thợ gốm, vừa khoét miệng lò vừa kể: "Mấy năm gần đây, ngoài thị trường cũ như Đà Nẵng, Huế, đồ đất Vân Sơn còn vào đến Kiên Giang, Rạch Giá ở phía Nam, Quảng Ninh ở phía Bắc... Mình cũng không biết trước khi dùng lò của mình họ dùng loại lò gì, nhưng từ khi họ biết hàng Vân Sơn thì họ chỉ dùng đồ của mình. Mấy người đếm hàng của mình kể lại, họ nói đơn giản lắm - lò tốt. Dậy thâu..."
     Mươi năm trước, đã có lúc tôi về Vân Sơn, chụp lấy chụp để những hình ảnh của làng. Từ đống đất, bàn xoay đến cách trồng lò. Thậm chí còn hẹn với chủ lò gọi dùm trước khi dỡ lò nung để kịp có những tấm ảnh ghi lại công đoạn này. Tôi làm thế vì e rằng, cái nghề này rồi thì khó mà bước qua thế kỷ XXI. Và nếu nó có... mệnh hệ nào, thì ít ra mình cũng còn giữ được một ít hình ảnh tư liêụ. Thế nhưng, trái với suy nghĩ ấy, nghề làm đồ đất nung ở Vân Sơn vẫn cứ túc tắc đi cùng đời sống và phát triển, dẫu rằng, nói cho công bằng thì bấy nhiêu cũng chưa phải đã là nhiều.
     Anh Hùng - thợ đúc lò trấu người được dân trong nghề làm đồ đất nung ở Vân Sơn phong danh hiệu thợ đất bậc 7/7, tâm sự: "Dân Vân Sơn có thể làm tốt các loại phù điêu, hàng thủ công mỹ nghệ đất nung như kiểu dân Ninh Thuận đã làm. Về góc độ kỹ thuật thì không có gì khó. Tôi nghĩ chỉ cần chính quyền, các ngành hỗ trợ cho chúng tôi một ít trong giai đọan ban đầu trong các khâu như: mẫu mã, xúc tiến thị trường ... Khi có khách hàng rồi, mọi việc sẽ do dân trong làng lo liệu. Cùng một công lao động, một lượng nguyên liệu nhưng nếu chất xám của mình nhiều hơn thì giá trị sản phẩm sẽ cao hơn. Nói thiệt là những chuyện này dân chưa làm được, nhà nước đẩy cho nó chạy có đà rồi dân sẽ biết đường chạy tiếp...". Vâng, trong lĩnh vực đồ gốm đất nung, có thứ gì mà thợ Vân Sơn không làm được đâu!
 
 
 
Những sản phẩm tiêu biểu của làng gốm đất nung Vân Sơn.

2.
     Đất sét để làm gốm đất nung phải là loại đất sét tốt, đủ độ dẻo cần thiết. Đất lấy lên khỏi hố khai thác được đạp dẻo ngay tại chỗ. Khi đất đã đều và quánh lại, thợ đất bèn xắn chúng ra thành từng tảng, phơi cho khô và đưa về tập kết gần nơi sản xuất. Sau đó người ta lại đập nhỏ chúng ra và lấy bao nylon phủ lại cẩn thận.
     Thứ đất nguyên liệu này nếu chẳng may bị ngấm nước sẽ làm độ dẻo của đất không ổn định và làm sản phẩm dễ bị nứt khi nung. Qua một lượt bàn xoay, gốm thành hình, vật dụng còn thô mộc giữ nguyên màu vàng nhạt của đất ấy là bán thành phẩm chờ làm nguội, trang trí. Thợ gốm sẽ dùng đến một con dao nhỏ thật sắc để kẻ, vẽ, hoặc khoét hoa văn, đường viền trang trí... xong đâu đó sản phẩm được đem hong khô trong vòng 3-4 ngày. Đất đã nên hình và đã đến lúc ngọn lửa sẽ thổi linh hồn vào đó để chúng thật sự có tên gọi, đời sống và số phận riêng.
     Việc xếp gốm đất thô vào lò nung được gọi là "trồng lò". Công đoạn này cũng được chuyên môn hóa bởi thợ trồng lò. Thợ trồng lò giỏi là người xếp được nhiều sản phẩm hơn trong cùng một không gian bầu nung. Thợ trồng lò thường luồn cái chậu nhỏ vào trong cái lớn hơn, rồi cứ như thế cho đến khi không luồn được nữa thì đem đặt vào một cái chum, cái chum ấy lại được luồn vào một cái chum đại. Nghe nói thì đơn giản thế nhưng thực tế phải tính toán phức tạp hơn nhiều vì trong khi xếp người ta luôn phải chèn, chắn, tính toán sao cho khi nung các sản phẩm không dính, không nứt bởi nếu đặt sát quá đồ gốm sẽ co rút không đều và sẽ bị méo sau khi nung.
     Có một du khách khi xem cảnh trồng lò ở làng gốm thủ công này đã buột miệng - Giống công việc của tôi quá! Hỏi ra mới biết ông là chuyên gia tổ chức việc xếp hàng trên… máy bay. Chuyên gia xếp hàng trên máy này kể, tương tự như thợ trồng lò, chính ông cũng phải tìm cách bố trí, cân đối, xếp đặt sao để máy bay vừa chở được nhiều hàng hóa nhất, vừa cân bằng để phi công dễ điều khiển máy bay.... Kể từ khi nghe thủng câu chuyện này, anh Tám - một thợ trồng lò ở Vân Sơn, người khoe với tôi câu chuyện trên cũng thấy vui vui với cái nghề mà lâu nay đôi khi khiến anh phải... tủi thân.
     Để có màu đỏ tươi người ta thường đốt lò bằng bổi chành rành. Loại lá này bắt lửa và phất ngọn lên rất nhanh. Ngọn lửa chành rành táp đến đâu gốm sẽ đỏ au ngay đến đó, cái sắc thái rất riêng của gốm đất Vân Sơn sẽ dậy lên sau ngọn lửa nung. Đất sét Vân Sơn cực tốt nhưng thiếu ngọn lửa chành rành này chẳng thể cho ra sản phẩm với màu đỏ sởn sơ đặc trưng của gốm Vân Sơn (Bình Định). Nhưng gần đây, như đã nói, nhiều khi phải dùng đất ở nơi khác, nhưng bằng bí quyết của mình, thợ gốm Vân Sơn vẫn giữ được sắc đỏ hấp dẫn ấy... Bí quyết, tất nhiên là không thể đem kể ra ở đây, nhưng điều này cho thấy, thợ gốm Vân Sơn cũng nặng lòng với nghề của mình lắm.
 
 
Đồ đất nung, hễ cứ có mẫu là làm được. Thợ gốm Vân Sơn đã khẳng định như vậy.

3.
     Lâu lắm rồi, người ta đã quen dần với sự vắng mặt của những vật dụng gia đình sản xuất bằng đất nung. Trong khoảng hai thập niên gần đây, hàng loạt chất liệu tiện dụng, khá rẻ tiền đã choán mất chỗ của đất nung trong đời sống hàng ngày. Rồi đất nung lặng lẽ nhường chỗ cho nhựa plastic, nhôm, sắt sơn, sắt tráng men, inox. Rồi lò đất nhường chỗ cho bếp gas, bếp điện...
     Nhưng đất là máu thịt của cái cảm giác cần được xác tín sự tồn tại của con người. Nhắm mắt lại và sờ bàn tay trần vào chiếc ấm sắc thuốc bất giác ta rùng mình vì tiếng vọng của năm tháng đời người.
     Tôi đã kịp nghe những người chơi phong lan khẳng định rằng, chậu nhựa tuy tiện nhưng vẫn không tốt bằng chậu đất. Đã được nhiều lương y khẳng định rằng, sắc thuốc bằng siêu đất nung tuy cực một chút nhưng thuốc sẽ dẫn tốt hơn so với sắc bằng ấm điện. Và cơm niêu nay đã thành đặc sản....
     Tiếng nện đất, nhồi đất thình thịch, tiếng kẽo kẹt của rặng tre già hòa cùng tiếng lật phật của tàu chuối khô xơ xác cuối vườn trong một buổi trưa đầu đông, trời dở mưa dở nắng khiến lòng người trở nên hoài cổ. Cái cảm giác lưng lửng ấy, không dưng lại cuốn tôi trở về với cái thời xa lơ xa lắc nào đó - thửa gốm đất còn hiện diện mọi chỗ mọi nơi trong đời sống con người. Tôi áp sát tay mình vào chiếc lu nước mới đắp xong còn đang phơi gió cho se mặt ngoài. Nó lành lạnh, rồi sự thô ráp của đất làm gang bàn tay tôi ấm dần lên, có lẽ bằng tâm tưởng nhiều hơn là nhờ cảm giác đơn thuần.
     Những làng nghề dân dã, giản dị trên "đất vua" và vùng phụ cận (An Nhơn-Bình Định) luôn hấp dẫn người ta lần về với nó do chất dung dị, hồn nhiên hiếm thấy. Hàng trăm năm đã trôi qua, thời gian không làm những làng nghề mất đi nếp duyên dáng của nó mà ngược lại, còn làm nó hồn hậu thêm.
     Đất mát rượi mà đất cũng nóng râm ran. Đất có kiểu diễn đạt kiệm ngôn. Trên tay người, lời ngàn xưa như bổi hổi bồi hồi. Không biết tôi có phải là người quá lãng mạn không khi cứ tin rằng cái thời của đất đang trở lại.
     Bạn hãy tự mình về làng gốm một lần đi...

Tác giả bài viết: Theo Baobinhdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Lịch làm việc
Dịch vụ công trực tuyến
CSDLQG
Bộ thủ tục HC cấp huyện
TTHC CX
Cai cach hanh chinh
Công khai tài chính
Thông tin tuyển dụng
Giấy phép kinh doanh karaoke
Phap dien
Chuyển đổi số
Công khai danh sách cán bộ
Văn bản
Thư xin lỗi
Xây dựng đảng
Hồ Chí Minh
Phòng chống thiên tai
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập44
  • Hôm nay13,135
  • Tháng hiện tại283,569
  • Tổng lượt truy cập1,694,196

1064/TB-UBND

THÔNG BÁO Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thị xã Lê Thanh Tùng tại cuộc họp thường kỳ giao ban lãnh đạo UBND thị xã ngày 09/5/2022

Thời gian đăng: 05/01/2024

9777/QĐ-UBND

Kế hoạch cải cách hành chính thị xã An Nhơn năm 2022

Thời gian đăng: 05/01/2024

75/QĐ-UBND

QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) trên địa bàn thị xã

Thời gian đăng: 04/01/2024

62/KH-UBND

KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị đối thoại của Chủ tịch UBND thị xã với thanh niên năm 2023

Thời gian đăng: 23/11/2023

42/TB-UBND

THÔNG BÁO Kết luận của Đ/c Lê Thanh Tùng– Chủ tịch UBND thị xã tại cuộc họp thông qua các chỉ tiêu chi tiết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Thời gian đăng: 23/11/2023

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây