Phương Danh là một trong bốn làng hình thành thị tứ Đập Đá (nay là phường) thị xã An Nhơn, với những dấu ấn đậm nét của các xóm chuyên môn hoá, sinh sống bằng một nghề duy nhất. Đó là xóm rèn, xóm đúc, xóm dệt, xóm bún, xóm tiện, lò gốm...
Làng Phương Danh được chia ra làm bốn xóm rõ rệt: Đông, Tây, Nam, Bắc với bốn ngành nghề sinh sống riêng biệt. Bắc Phương Danh chuyên làm nông nghiệp, Nam Phương Danh chuyên làm nghề dệt, Đông Phương Danh chuyên buôn bán, Tây Phương Danh chuyên về nghề rèn. Bốn xóm của làng Phương Danh hình thành nên những nghề trong diễn trình lịch sử một cách tự nhiên theo nhu cầu sinh sống vùng đất Phương Danh trước đây.
Giai đoạn thế kỷ XV-XVII vùng đất này hoang sơ, người Việt di cư vào đây khai hoang, lập làng. Cuối thế kỷ XVIII nghĩa quân Tây Sơn chọn vùng này làm nơi chăn nuôi huấn luyện ngựa và sản xuất vũ khí. Làng rèn Phương Danh lúc bấy giờ không những sản xuất nông cụ mà là nơi cung cấp vũ khí cho phong trào nông dân Tây Sơn. Những chủng loại vũ khí này giờ đây được gìn giữ, bảo quản và giới thiệu tại Bảo tàng như những trang sử vàng ghi lại công sức của các cổ nhân làng Phương Danh xưa đã miệt mài và kiên nhẫn luyện từ quặng sắt mà thành. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng rèn Phương Danh cũng là một trong những nơi cung cấp vũ khí cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.
Cở sở sản xuất rèn Tây Phương Danh
|
Tương truyền, vị tổ làng rèn Phương Danh là Đào Giả Tượng. Ông là người từ miền Bắc vào đây khai hoang lập làng và ngày nay, người dân Phương Danh vẫn chưa tìm ra thủy tổ của làng nghề xuất thân từ làng quê nào của miền Bắc nước ta. Trên bước đường di cư ông đã mang theo nghề rèn hằng mong lập nghiệp vùng đất mới. Những người thợ rèn đầu tiên của Phương Danh đã làm ra con dao, cái cuốc, lưỡi liềm, lưỡi mác, lưỡi cày cho những bàn tay lao động cần cù khai phá vùng đất Cỏ Thơm như sử sách đã ghi lại, một địa danh huấn luyện ngựa của Nhà Tây Sơn, kế tiếp là làng ven đô kinh thành Hoàng Đế của triều đại Tây Sơn.
Đất lề quê thói, ngay từ buổi đầu lập nghiệp, cổ nhân của làng rèn đã sớm ý thức được sự cao quý của nghề rèn thuận theo lẽ "thiên thời địa lợi nhân hòa". Những quan niệm sâu sắc về âm dương, ngũ hành, về mối quan hệ giữa sắt và lửa với chủ thể là con người lao động cùng sức vóc vạm vỡ đã được lưu truyền trong bài thơ cổ vô danh:
Thuần phong giáng hỏa độ nhơn sanh
Kim khí tiêu tan biến ngũ hành
Thủy thổ hỏa khai tâm diệu kế
Gương oai vũ trụ hóa hùng anh.
Một cái nghề đầy tự hào như vậy nhưng rất lấy làm tiếc, từ hơn 200 năm nay vẫn chưa có một cuốn sách nào, tài liệu nào ghi lại tường tận quy trình, thậm chí đề cập đến một vài bí quyết làm ra một dụng cụ mà nơi khác khó có thể sánh bằng. Tất cả đều là cha truyền con nối. Hầu như người dân Phương Danh ai cũng có một khối óc thông minh và đôi tay khéo léo, sự mẫn cảm với độ nóng của ngọn lửa, cảm nhận được chính xác độ mềm của sắt thép, độ rắn chắc và sắc bén của những vật dụng… Không một mô hình, không khuôn mẫu, nhưng sản phẩm họ làm ra lại rất phong phú và đa dạng về chủng loại.
Ngày nay làng rèn Phương Danh còn khoảng chừng trên 200 lò, mỗi lò có từ 3 nhân công trở lên. Sản phẩm ở đây là các loại cuốc, cúp (yết), xẻng, rựa, dao, liềm, rìu, đồ thợ mộc, thợ nề, kéo, lưỡi cày, bẫy chuột, móng ngựa… Các lò rèn đều có sự chuyên môn hóa, mỗi lò chỉ sản xuất một hoặc vài sản phẩm nhất định. Như lò nhà ông Trần Điền chỉ chuyên sản xuất các loại kéo, lò ông Nguyễn Hợi chuyên sản xuất rựa và dụng cụ thợ mộc, lò ông Lê Hào chuyên sản xuất lưỡi liềm… Một phần do sự chuyên môn hóa nên việc sản xuất ở mỗi lò đều mang tính sản xuất hàng hóa cao, tinh xảo, có bí quyết riêng. Cũng là cây cuốc nhưng đây là cuốc kẹp, kia là cuốc tán, rồi cuốc cỏ đậu, đến cuốc xạc cà phê, cuốc làm rừng cao su, cuốc gốc xoắn chòi mía… quả thật là phong phú chủng loại. Sản phẩm không những nổi danh một vùng mà lan tỏa cả về các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam Trung bộ.
Quan hệ giữa thợ cả với thợ bạn là quan hệ bình đẳng. Xưa nghề rèn phát triển phần nào mang tính cục bộ thì nay phát triển mạnh cả về số lượng lẫn quy mô. Có thời gian là Hợp tác xã (1976), nay là một nghiệp đoàn có điều lệ sinh hoạt và quy định cụ thể đối với hoạt động sản xuất của làng rèn.
Có dịp đến thăm làng rèn Phương Danh chúng ta mới cảm nhận sâu sắc ý nghĩa câu ca dao:
Nghề rèn không ruộng không trâu
Làm ăn no ấm nhờ đầu ông đe
Sáng ra phụt phụt sè sè
Vợ thổi chồng đập họ nghe rầm rầm.
Cả ngày từ sáng đến tối, cả năm từ xuân hạ đến thu đông, làng rèn luôn rộn ràng sôi động. Có lẽ điều vui nhất trong năm của người dân Phương Danh là dịp diễn ra lễ hội truyền thống của làng nhằm ngày 12 tháng 2 âm lịch.
Khá nhiều người dân làng rèn Phương Danh lập nghiệp ở các nơi như Đồng Nai, Đăk Lăk, Kon Tum, Lâm Đồng bằng cái nghề truyền thống của mình. Dù ở đâu, đúng vào dịp lễ hội tưởng nhớ vị tổ sư làng rèn, họ cũng phải về cho bằng được để hòa nhịp sống, tận hưởng giây phút thiêng liêng hướng về cội nguồn với bao trăn trở bề bộn của đời thường.
Ngày nay kỹ thuật rèn đã có nhiều công đoạn thay đổi hẳn theo hướng giảm bớt khó nhọc, giảm bớt công sức lao động của người thợ. Làng rèn không còn dùng bễ tay nữa, thay vào đó là quạt điện, bễ điện, lò than nung sắt thép bằng gạch xây, hàng hóa được bán theo những hợp đồng kinh tế với số lượng lớn. Hơn lúc nào hết, mọi người dân làng rèn truyền thống Phương Danh đều ý thức rằng phải luôn chú trọng giữ chữ tín với bạn hàng trong cơ chế thị trường.
Năm 2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã công nhận Làng nghề Rèn Tây Phương Danh đạt tiêu chí Làng nghề truyền thống.