Ông Trịnh Thế Phúc, Trưởng khu vực Bả Canh, cho biết: “ Nghề chẻ chu nhang ban đầu chỉ có ở đội 10, bây giờ phát triển ra toàn khu vực, tính sơ đã có 380 hộ, với gần 800 lao động làm nghề này. Thu nhập tuy không cao, nhưng trung bình mỗi lao động một ngày được tiền công là 50 nghìn đồng, riêng lao động lành nghề là 70 nghìn đồng. Nghề chẻ chu nhang có tính đặc thù trẻ em, người già đều làm được và làm quanh năm, không ngại mưa, nắng. Nhờ vậy mà cuộc sống người dân làng nghề ngày càng khấm khá lên”.
Một góc cơ sở sản xuất nhang xuất khẩu của Công ty TNHH Nguyễn Nga Lâu, khu công nghiệp Gò Đá Trắng |
Nguyên liệu chẻ chu là những cây tre mua khắp nơi trong tỉnh và khi khan hiếm nguyên liệu phải lên tận trên Tây Nguyên mua đem về làm. Chị Lê Thị Lan (52 tuổi) làm nghề này đã 27 năm, bộc bạch: Từ khi về làm dâu ở Bả Canh vào năm 1985 đến giờ, gia đình bên chồng tui đều theo nghề chẻ chu nhang của ông, bà để lại”. Ông xã tui quanh năm bận bịu suốt, cứ lên Tây Nguyên vào các làng đồng bào dân tộc mua tre chở về, vừa cho gia đình có nguyên liệu làm cả năm, vừa bán lại cho bà con cùng làm nghề không có điều kiện đi mua tre. Mấy năm nay đầu ra của cây chu nhang mạnh lắm, nhất là xuất bán ở các tỉnh phía bắc, ngoài làm ruộng ai cũng tranh thủ chẻ.
|
Nhang Bả Canh chuẩn bị đóng gói xuất khẩu. |
Ở khu vực Bả Canh, ngoài Công ty TNHH Nguyễn Nga Lâu đang có cơ sở sản xuất nhang xuất khẩu thu mua chu nhang thường xuyên, còn có nhiều hộ tự đầu tư mua sắm máy móc, mở xưởng sản xuất nhang tại nhà và đặt mua chu nhang hàng trăm tấn/tháng như: cơ sở Lưu Ngãi, cơ sở Khải, cơ sở Hiền... Chị Lương Thị Kim Hiền (37 tuổi) đã đầu tư mở 2 cơ sở sản xuất nhang (1 cơ sở đội 10 Bả Canh và 1 cơ sở ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát), mỗi cơ sở trang bị 20 máy làm nhang, thu hút 40 lao động tham gia, với mức trả công 1,8 triệu đồng/lao động/tháng trở lên. Chị Hiền, cho hay: “Mỗi tháng các cơ sở của tôi sản xuất được 70 tấn nhang thành phẩm, xuất bán ổn định cho một doanh nghiệp ở Hà Nội, nên đặt mua cả trăm tấn chu nhang/tháng”.