Chủ tịch Hội LHPN thị xã An Nhơn Lê Vũ Vân Kiều đã chia sẻ với PV Báo Phụ nữ Việt Nam về kinh nghiệm triển khai các phong trào, hoạt động hiệu quả:
- Xin chị cho biết, phong trào, hoạt động nào mà Hội LHPN thị xã An Nhơn dành nhiều tâm huyết, công sức và đạt hiệu quả tốt nhất?
Thực hiện Phong trào thi đua "Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021 - 2025", Hội LHPN thị xã An Nhơn là đơn vị đầu tiên, duy nhất đăng ký thực hiện nhiệm vụ đặt hàng gắn với xây dựng mô hình "Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường" của UBND thị xã. Nhiệm vụ đặt hàng có 6 tiêu chí, gồm: Vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia thu gom rác thải và nộp phí rác thải đầy đủ; trên 50% hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, 100% hộ thực hiện việc tập kết, đặt, để rác đúng địa điểm và thời gian quy định; thành lập ban điều hành mô hình, tổ vận động thôn/khu vực đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động; thành lập 1 tổ tự quản ở mỗi xóm/khu phố/tuyến đường; thực hiện trồng và chăm sóc, xây dựng các tuyến đường cây xanh/cây hoa xanh - sạch - đẹp; thành lập tổ thu gom, vận chuyển rác ở một số tuyến đường nhỏ.
Kết quả đến nay, qua bình xét cuối năm, có 37.741/45.870hộ (đạt 82%), đạt 8 tiêu chí cuộc vận động 5 không 3 sạch, 5 có 3 sạch. Trong đó số hộ đạt năm 2022 tiếp tục đăng ký và duy trì là 37.120 hộ, đạt mới năm 2023 là 621 hộ; có 57 hộ do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, cận nghèo (chỉ tiêu giao 45 chị).
15/15 xã, phường mở rộng địa bàn thu gom rác thải, tỷ lệ hộ dân tham gia thu gom rác thải khu vực nội thị 97,54%, khu vực nông thôn 68%; vận động hộ dân nộp phí rác thải đạt trên 80%, 90% - hoàn thành nhiệm vụ đặt hàng của UBND thị xã giao, đã chuyển giao danh sách hộ thu cho Ban quản lý các dịch vụ đô thị thu phí điện tử (tháng 10/2022).
Tỷ lệ hộ dân phân loại rác thải tại hộ 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao (Nhơn Lộc, Nhơn An) đạt trên 50%; 2 xã đăng ký đạt nông thôn mới nâng cao năm 2023 đạt trên 50%. Duy trì và nhân rộng 4 mô hình và 2 Chương trình (mô hình chung "Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường" 6 tiêu chí; mô hình "Phân loại rác thải tại hộ"; mô hình "Phân loại rác thải, thu gom phế liệu, giúp phụ nữ, trẻ em nghèo, khó khăn"; mô hình "Phụ nữ đi chợ cùng giỏ xách, hạn chế sử dụng túi ni lông"; Chương trình "Trồng cây xanh - Phụ nữ vun trồng tương lai"; Chương trình "Đổi chai nhựa lấy chai thủy tinh, đổi phế liệu lấy cây xanh") góp phần đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh.
- Sự thay đổi nhận thức cũng như cuộc sống của các hội viên, phụ nữ khi triển khai hoạt động như thế nào, thưa chị?
- Qua 3 năm thực hiện nhiệm vụ đặt hàng gắn xây dựng mô hình "Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường", phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị tham gia công tác bảo vệ môi trường, nhất là vai trò phụ nữ trong tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ đăng ký dịch vụ thu gom rác thải tập trung, để rác đúng thời gian, địa điểm quy định; nộp phí rác đầy đủ, thực hiện phân loại rác thải tại hộ; trồng, chăm sóc cây xanh…
Duy trì thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước ở các xã, phường, bảo đảm thực hiện tự quản về bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường ở khu dân cư ngày càng xanh - sạch - đẹp, góp phần nâng sức khỏe nhân dân và thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hướng đến xây dựng thị xã An Nhơn trở thành thành phố trước năm 2025.
- Để các hoạt động được triển khai tốt và có hiệu quả, kinh nghiệm của chị là gì?
Để các hoạt động được triển khai tốt và có hiệu quả, không thể không kể đến vai trò chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh Bình Định. Với phong trào Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường nói chung và thực hiện nhiệm vụ đặt hàng gắn xây dựng mô hình "Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường", các cấp Hội LHPN thị xã An Nhơn rút ra một số kinh nghiệm, đó là: Tham mưu đề xuất Ban Thường vụ Thị ủy chỉ đạo các Đảng ủy các xã, phường; đề xuất, phối hợp với chính quyền, mặt trận, đoàn thể thị xã và cấp ủy, chính quyền địa phương bằng việc xây dựng Kế hoạch phối hợp có cơ chế đặt hàng hỗ trợ cho các Tổ vận động ở các thôn/khu vực,
Có cơ chế kinh phí, cơ chế kiểm tra, thẩm định, biểu dương, khen thường, có sự phân công cụ thể, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp để tạo sự phối hợp đồng bộ. Xác định tiêu chí và các công việc cần làm để thực hiện các tiêu chí của mô hình; tổ chức sinh hoạt chuyên đề, bàn biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Chấm điểm thi đua, phát động phong trào thi đua biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ sở Hội, cán bộ thực hiện tốt.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng động viên, phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ Hội, cán bộ quân dân chính thôn, hội viên nòng cốt. Sau đó tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân bằng việc gặp gỡ tuyên truyền miệng, đi từng ngõ, gõ từng nhà; dán tờ hướng dẫn phân loại rác tại hộ gia đình…
- Xin chị cho biết, trong thời gian tới, Hội LHPN thị xã An Nhơn sẽ tập trung vào hoạt động gì để ngày càng thu hút được đông đảo hội viên phụ nữ?
Trong thời gian tới, với nhiệm vụ cùng với hệ thống chính trị thị xã thực hiện đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng và phát triển thị xã trở thành Thành phố, các cấp Hội LHPN thị xã An Nhơn tiếp tục đề xuất UBND thị xã ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện nhiệm vụ đặt hàng gắn xây dựng mô hình "Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường", trong đó tập trung thực hiện Phương án phân loại, xử lý rác thải hữu cơ bằng men sinh (có làm thùng ủ chuyên dụng cấp cho hộ gia đình) trong thực hiện mô hình "Phân loại rác thải tại hộ gia đình".
Đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động để tập hợp, thu hút đông hội viên, phụ nữ, nhất là phong trào rèn luyện thể dục - thể thao, vì phụ nữ khỏe đẹp. Hoạt động liên kết, hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển kinh tế và phong trào tương thân, tương ái giúp đỡ cho phụ nữ, trẻ em nghèo, khó khăn, thể hiện Hội là tổ chức đoàn thể đại diện về giới nữ, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chị em phụ nữ; có như vậy mới thu hút ngày càng nhiều hội viên, phụ nữ tham gia hoạt động Hội, phong trào phụ nữ.
- Xin trân trọng cảm ơn chị!
Tác giả bài viết: Theo phunuvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc