Công điện số 02 của Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng ban BCH PCTT - TKCNC & PTDS thị xã

Chủ nhật - 25/09/2022 14:57 399 0
Cơn bão có tên quốc tế Noru (bão số 4) là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo từ ngày 26 tháng 9 bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển giữa và bắc Biển Đông, chiều tối ngày 27 tháng 9 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trong đó có tỉnh Bình Định.
Hiện nay, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật cấp 17. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão khi vào gần bờ có thể vẫn mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Ngoài ra, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định từ ngày 27-28/9, ở khu vực Bình Định có mưa to đến rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến ở thị xã An Nhơn từ 100-200 mm, có nơi trên 250 mm. 
Thực hiện nội dung Công điện số 07/CĐ-PCTT, hồi 17 giờ ngày 25/9/2022 của Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT - TKCN & PTDS tỉnh, để chủ động ứng phó với bão Noru kèm mưa lớn và mưa hoàn lưu sau bão có nguy cơ lũ lụt, gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn thị xã, Chủ tịch UBND thị xã kiêm Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT - TKCN & PTDS thị xã An Nhơn yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường, các thành viên BCH PCTT - TKCN & PTDS thị xã và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị của thị xã khẩn trương triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ như sau: 
1. Rà soát và triển khai công tác ứng phó bão Noru theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, kích hoạt phương án ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. 
2. Tiếp tục triển khai các nội dung của Công điện số 06/CĐ-PCTT lúc 11 giờ ngày 24/9/2022 (của Ban Chỉ huy tỉnh) và Công điện số 01/CĐ-PCTT lúc 16 giờ ngày 24/9/2022 (của Ban Chỉ huy thị xã); thực hiện đúng Công điện số 07/CĐ-PCTT lúc 17 giờ ngày 25/9/2022 của Ban Chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS tỉnh, trong đó chú ý các nội dung sau: 
2.1. Theo dõi chặt chẽ tình hình hồ chứa nước Núi Một, trạm Thạnh Hòa. Thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ, lụt và thông báo rộng rãi đến từng thôn, khu vực và nhân dân theo dõi nắm rõ thông tin, từng hộ gia đình chủ động nhu yếu phẩm, nước uống, thuốc y tế… đủ dùng ít nhất trong 7 ngày, tuyệt đối không được chủ quan trong việc phòng tránh, ứng phó với tình hình bão, mưa, lũ lụt. 
2 2.2. Hoãn tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão. Các thành viên BCH PCTT – TKCN và PTDS thị xã về địa bàn phụ trách phối hợp với Trưởng ban BCH xã, phường chỉ huy các nội dung công việc và chỉ đạo xử lý khắc phục sự cố ban đầu. BCH PCTT - TKCN & PTDS các xã, phường chỉ đạo Đội xung kích PCTT và lực lượng quản lý đê nhân dân ra quân thực hiện nhiệm vụ. 
2.3. Kiểm tra, rà soát những khu vực dân cư có nguy cơ cao về ảnh hưởng bão, ngập lụt, sẵn sàng triển khai phương án chuẩn bị ứng phó; triển khai sơ tán, di dời người dân theo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (trước mắt vận động và di dời các hộ có người cao tuổi, trẻ em, người bị thương, đau bệnh... đến nhà gần kề kiên cố, cao ráo và nhà người thân). Tuyệt đối không để cho người dân ở lại trong các nhà đơn sơ, thiếu kiên cố. Báo cáo tình hình sơ tán, di dời dân cụ thể từng xóm, khu vực về Văn phòng HĐND & UBND và Phòng Kinh tế thị xã trước 11h00 ngày 27/9/2022. 
2.4. Các cơ quan, đơn vị liên quan (BQLDA Đầu tư xây dựng & PTQĐ; Phòng Quản lý đô thị; Phòng Văn hóa – Thông tin; Trung tâm Văn hóa – Thông tin & Thể thao; Trung tâm Y tế thị xã, các trường học…) và các xã, phường chỉ đạo chằng chống trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt lưu ý đối với công trình cột, tháp cao, biển quảng cáo, nhà cao tầng, khu,cụm công nghiệp và hướng dẫn, hỗ trợ gia cố nhà cửa cho nhân dân. Phòng Quản lý đô thị phối hợp Ban Quản lý dịch vụ đô thị và UBND các xã, phường khẩn trương kiểm tra, có biện pháp bảo đảm an toàn các bảng đèn led trang trí, cổ động tuyên truyền; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, khu dân cư, thoát nước chống ngập úng đô thị. UBND các xã, phường khẩn trương triển khai rong dọn cây cối ngã ra dòng sông, vớt bèo, rác, vật cản trên các sông, kênh mương, đập dâng để tạo thông thoáng dòng chảy. Triển khai phương án bảo đảm an toàn tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập úng vùng trũng thấp. Có biện pháp gia cố những vị trí chưa thi công, đảm bảo an toàn vượt lũ đối với các công trình xây dựng. Hoàn thành các nội dung công việc trước 11h00 ngày 27/9/2022. 
2.5. Khẩn trương chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chủ động, sẵn sàng ứng phó trong tình huống thiên tai tại các bờ ngự thủy xung yếu, đê bằng đất và các công trình đang thi công, nhất là bao cát, cát, đất, sạn, đá, xe tải, xe xúc, ủi bố trí sẵn ở những công trình xung yếu, những vùng trọng điểm trên các tuyến giao thông chính, đê kè xung yếu quan trọng để kịp thời xử lý, ứng cứu và thay thế tạm khi công trình bị thiên tai làm hư hỏng. (Số lượng phương tiện, trang thiết bị, vật tư phải đảm bảo theo phương án PCTT của thị xã và ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban PCTT – TKCN và PTDS thị xã tại cuộc họp chiều ngày 25/9/2022). 
2.6. Hiệu trưởng các trường Phổ thông trung học trên địa bàn; Phòng Giáo dục – Đào tạo thị xã chỉ đạo Hiệu trưởng các trường học thuộc phạm vi 3 quản lý chủ động cho học sinh nghỉ học khi cần thiết; nhắc nhở các gia đình, phụ huynh quản lý con em không để xảy ra tai nạn. Kiểm tra, gia cố sửa chữa và quản lý trường học, phòng, lớp học. 
2.7. Ban Chỉ huy Quân sự thị xã, Công an thị xã sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng, đảm bảo an toàn giao thông khi có lệnh cấm đường. Các xã, phường bố trí Đội xung kích PCTT đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại các tràn, đường ngập nước, những khu vực nguy hiểm khi có bão, mưa lớn, lũ lụt và phải có biển báo, rào chắn để hạn chế đi lại ở các tràn, đường, cầu tạm, bờ sông. Đặc biệt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ ứng phó và giúp nhân dân trong bão, mưa, lũ. 
2.8. Phòng Y tế, Trung tâm Y tế thị xã khẩn trương thành lập Tổ cấp cứu phục vụ cho công tác cấp cứu người bị tai nạn do thiên tai gây ra nhằm giảm thiểu thiệt hại về người. Chỉ đạo Trạm Y tế các xã, phường tiến hành các biện pháp đảm bảo an toàn về cơ sở vật chất, chuẩn bị cơ số thuốc để khám chữa bệnh khi xảy ra thiên tai. 
2.9. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h ở tất cả các cơ quan, đơn vị, các xã, phường; báo cáo tình hình theo khung giờ 6h30, 13h00 và đột xuất về Cơ quan thường trực BCH PCTT - TKCN & PTDS thị xã (địa chỉ zalo nhóm PCTT các xã, phường và zalo Bạch Nhơn Tân – 0935.108608) để tổng hợp, báo cáo UBND thị xã, UBND tỉnh, BCH PCTT - TKCN & PTDS tỉnh. 
2.10. Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thị xã và Đài Truyền thanh các xã, phường phát sóng thông tin liên tục; các thành viên BCH thị xã là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, UBMTTQ và các Hội, đoàn thể thị xã chỉ đạo tuyên truyền, thông tin với nhiều hình thức về diễn biến của bão, mưa lũ, lụt đến nhân dân, Hội đoàn viên, công viên chức và người lao động để biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.

Tác giả bài viết: TH

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây