Thị xã An Nhơnhttps://annhon.binhdinh.gov.vn/uploads/logoannhon.png
Chủ nhật - 25/09/2022 14:554480
Theo bản tin của Đài KTTV Bình Định, hồi 13 giờ ngày 24/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 127,1 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 660km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 121,8 độ Kinh Đông trên vùng bờ biển phía Đông đảo Lu-Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km và đi vào Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 30km, có xu hướng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách Thừa Thiên Huế-Quảng Nam khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 16.
Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động rất mạnh.
Trong 72 đến 120 giờ, bão tiếp tục di chuyển nhanh chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h, cường độ suy yếu dần và ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ.
Thực hiện nội dung Công điện số 06/CĐ-PCTT, hồi 11 giờ 00 phút ngày 24 tháng 9 năm 2022 của Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT - TKCN & PTDS tỉnh Bình Định, để chủ động ứng phó với bão Noru (cơn bão số 4 khi đi vào biển Đông) kèm mưa lũ có nguy cơ lũ lụt, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn thị xã, Chủ tịch UBND thị xã kiêm Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT - TKCN & PTDS thị xã An Nhơn yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường, các thành viên BCH PCTT - TKCN & PTDS thị xã và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị của thị xã triển khai ngay một số nhiệm vụ như sau:
1. Theo dõi chặt chẽ tình hình hồ chứa nước Núi Một, trạm Thạnh Hòa. Thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ, lụt và thông báo rộng rãi cho chính quyền thôn, khu vực và nhân dân theo dõi nắm bắt thông tin trên Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định, app “PCTT”, app “Windy”, trang web https://www.pcttbinhdinh.gov.vn/… để chủ động phòng tránh, ứng phó với ảnh hưởng bão gây lũ lụt trên địa bàn thị xã.
2. Kiểm tra, rà soát những khu vực dân cư có nguy cơ cao về ngập lụt, sẵn sàng triển khai phương án chuẩn bị ứng phó; có kế hoạch sơ tán, di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn khi nước dâng cao theo phương án đã được phê duyệt. Các thành viên BCH PCTT - TKCN & PTDS thị xã phối hợp với Chủ tịch UBND xã, phường chỉ đạo xử lý khắc phục sự cố ban đầu. UBND các xã, phường chỉ đạo Đội xung kích PCTT và lực lượng quản lý đê nhân dân ra quân thực hiện nhiệm vụ.
3. Các xã, phường khẩn trương triển khai rong dọn cây cối ngã ra dòng sông, vớt bèo, rác, vật cản trên các sông, kênh mương, đập dâng để tạo thông thoáng dòng chảy. Triển khai phương án bảo đảm an toàn tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập úng vùng trũng thấp.
4. Yêu cầu Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thị xã, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Giáo dục – Đào tạo chỉ đạo các đơn vị thi công trên lĩnh vực ngành mình quản lý phải có phương án phòng chống thiên tai phù hợp; đối với các công trình xây dựng trong khu vực dòng chảy, khu vực ngập lụt phải có kế hoạch xây dựng, gia cố những vị trí chưa thi công, đảm bảo an toàn vượt lũ và thông thoáng dòng chảy trước 30/9/2022.
4. Khẩn trương chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chủ động, sẵn sàng ứng phó trong tình huống thiên tai tại các bờ ngự thủy xung yếu, đê bằng đất và các công trình đang thi công. Bố trí lực lượng kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại các tràn, đường ngập nước, những khu vực nguy hiểm khi có lũ, lụt và phải có biển báo, rào chắn để hạn chế đi lại ở các tràn, đường, cầu tạm, bờ sông… khi nước còn chảy xiết.
5. Phòng Giáo dục – Đào tạo thị xã phối hợp với các xã, phường tăng cường các biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn cho học sinh trên đường đi học và về nhà; chủ động cho học sinh nghỉ học khi cần thiết; nhắc nhở các gia đình, phụ huynh quản lý con em không để xảy ra tai nạn.
6. Điện lực An Nhơn bảo đảm an toàn hệ thống điện; Trung tâm Viễn thông III (khu vực An Nhơn) bảo đảm an toàn thông tin liên lạc, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Phòng Y tế và Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn chuẩn bị dự trữ các cơ số thuốc để chữa bệnh, khử khuẩn nước, tiêu độc khử trùng vùng mưa, lũ lớn.
7. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h ở tất cả các cơ quan, đơn vị, các xã, phường; thường xuyên báo cáo tình hình về UBND thị xã, BCH PCTT - TKCN & PTDS thị xã An Nhơn (theo địa chỉ pktannhon@gmail.com của Phòng Kinh tế - cơ quan thường trực BCH PCTT - TKCN & PTDS thị xã An Nhơn) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, BCH PCTT - TKCN & PTDS tỉnh.
6. Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thị xã và Đài Truyền thanh các xã, phường phát sóng thông tin liên tục về diễn biến của bão, mưa lũ, lụt đến nhân dân bị ảnh hưởng biết, chủ động phòng tránh.