Cỏ Vetiver có tên khoa học là Chrysopogon zizanioides, có nguồn gốc từ Nam Ấn Độ. Được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau ở gần 100 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, vào năm 1998 đã dịch và phát hành cuốn sách: cỏ vetiver- hàng rào chống xói mòn do john greenfield biên soạn. từ năm 1999 được nghiên cứu và nhân trồng ở các tỉnh, thành: Hà Nội, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh…đến năm 2001-2003 được bộ Nông nghiệp _PTNT, Bộ giao thông vận tải ra quyết định cho phép sử dụng vào các mục đích giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ cơ sở hạ tầng.
Đặc điểm hình thái: cây cỏ dạng bụi, thân mọc thẳng đứng, cứng chắc, không có thân ngầm nhưng có bộ rễ đồ sộ, phát triển nhanh, ngay trong năm đầu có thể ăn sâu 3-4m. Khi trồng dày phát triển thành hàng rào kín chống chịu nước chảy xiết, hạn chế xói mòn.
Là loại cỏ có phạm vi thích ứng rộng, nhiệt độ từ 220c - 550c , độ pH từ 3,5-12,5, chịu được hạn hán, ngập úng, có khả năng phục hồi nhanh sau khi bị tác động bất lợi, chống chịu cao với thuốc diệt cỏ.
Giống cỏ Vetiver được nhập vào Việt Nam có nguồn gốc từ Philippin, Thailan, thường không ra hoa kết hạt.
Ở miền Trung và tây nguyên có giống cỏ Đế có đặc điểm tương tự, tên khoa học là Chrysopogon nemoralis, nhưng phát triển chậm, bộ rễ ngắn và hiệu quả không cao.
Những ứng dụng chính của cỏ Vetiver trong thực tế
Qua các nghiên cứu và thực nghiệm có thể xác định những đặc tính cơ bản của cỏ Vetiver như sau:
- Bộ rễ dài, ăn sâu có thể gia cường, ổn định mái dốc, tạo neo, nêm, bệ đỡ cho đất, giữ liên kết các hạt đất.
- Giảm lượng nước mưa thực tế rơi xuống mái dốc, giảm xói mòn, rửa trôi.
- Trồng thành hàng theo 2 hướng song song hoặc cắt ngang dòng chảy có tác dụng phân tán đều lượng nước mặt chảy tràn, chống chịu được nước chảy xiết, giảm tốc độ dòng chảy.
- Về đặc tính thủy lực rễ, cỏ Vetiver có tính kháng kéo và kháng cắt cao.
Ở Việt Nam, từ những năm 2003 đã sử dụng vào các mục đích giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ cơ sở hạ tầng với một số ứng dụng chính là:
- Ổn định mái dốc các tuyến đường bộ, đường sắt, đặc biệt hiệu quả với đường giao thông nông thôn, miền núi;
- Ổn định đê đập, giảm nhẹ xói lở bờ sông, kênh mương, bờ biển. bảo vệ các công trình cứng như đê kè bê tông, đá xây, rọ đá;
- Làm hàng rào ngăn giữ bùn đất, hạn chế tốc độ dòng chảy ở cửa vào hoặc cửa ra cống dẫn thoát nước;
- Trồng thành hàng theo đường đồng mức ở phía trên kênh mương, rãnh xói để ổn định mái đốc;
- Trồng thành hàng dọc bờ đê, đập phía trên mực nước sông hoặc hồ để hạn chế xói lở do sóng vỗ.
một số công trình, dự án đã ứng dụng như:
- Bảo vệ ta luy đường Hồ Chí Minh,
- Bảo vệ đê sông ở An Giang, Quãng Ngãi,
- Ứng dụng bảo vệ đê biển ở hải hậu, Nam Định,
- Bảo vệ các cồn cát ven biển miền trung,
- Bảo vệ đê kè chống xói lở bờ sông ở Miền Trung và Miền tây Nam Bộ,
- Bảo vệ cụm dân cư vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long…
Một số thử nghiệm khác cũng đã thực hiện như xử lý ô nhiễm đất và nước, xử lý nước thải, rác thải bảo vệ môi trường ở các tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Bắc Giang,Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Cần Thơ, An Giang…, tổng cộng khoảng 40 tỉnh thành trong cả nước.
Đã hình thành các cơ sở nhân giống và vườn ươm cung cấp cây giống cho các dự án: vườn ươm và cơ sở nghiên cứu ở Đại học Cần Thơ, ở Tân Châu, An Giang; các vườn ươm ở Quãng Ngãi, bình phước; vườn ươm ở Bắc ninh, bắc Giang…
Ứng dụng ở An Nhơn
An Nhơn thuộc hạ lưu sông Kone với nhiều nhánh sông có chiều dài trên 160 km, nhiều đoạn xung yếu bị sạt lở nặng (khoảng 50km), trong những năm gần đây được gia cố bằng nhiều hình thức từ đơn giản như đóng cừ, cọc tre, phên giằng, đổ đất gia cố, tới xây dựng kè bê tông còn gọi là kè cứng khá phổ biến, tới nay toàn thị xã có khoảng 15km được thực hiện bằng hình thức này.
Việc thực hiện gia cố đê kè chống sạt lở bằng cỏ Vetiver được thực hiện đầu tiên tại An Nhơn vào năm 2006, tại kè thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc với chiều dài khoảng 300m, tới nay cỏ đã mọc thành băng, hàng bền chắc, chiều cao bụi cỏ trên 1m, phần tiếp giáp với lòng sông cũng đã tạo thành băng cỏ liền khối như hàng rào bảo vệ, toàn bộ kè được liên kết thành khối bởi nhũng bụi cỏ vững chắc, có khả năng phòng chống, bảo vệ đê kè qua các mùa lũ khá an toàn.
Từ hiệu quả trên, năm 2011, Dự án Quản lý rủi ro thiên tai, hợp phần 3 tiếp tục đầu tư thực hiện dự án chống sạt lở bờ sông Kone, xã Nhơn Lộc bằng vật liệu địa phương và cỏ Vetiver.
- Chiều dài toàn tuyến là 352,7m, trong đó phần lát mái bằng đá là 153,4m và phần lát mái bằng cỏ Vetiver là 199,3m. kinh phí cho dự án là 2.219,1 triệu đồng, trong đó, phần xây lắp là 1.702,6 triệu đồng. hiện nay, kè đã qua một mùa mưa lũ và tương đối ổn định.
Qua xem xét chi phí đầu tư tại dự án này, so sánh giữa kè cỏ và kè bằng đá lát khan, chi phí trên 1m2 cho kết quả như sau:
- Gia cố bằng cỏ là 107.385đ, đá lát khan là 212.127đ, giảm 49,37%.
- Nếu tính chi phí cho 1m dài của kè bằng đá lát khan là 2.561.300đ và lát cỏ là: 981.960 đ, chi phí giảm 61,6%.
- Tổng chi phí cho 1m kè lát đá bao gồm cả chi phí gia cố chân khay bằng đá hộc bỏ rối là: 4423.200đ, kè bằng cỏ là 2943.800đ, chỉ bằng 66,6 giảm 33,4%. Trong điều kiện mái lát cỏ không phải gia cố chân khay bằng đá hộc bỏ rối thì chi phí như trên là: 891.960đ, so sánh chỉ bằng 22% so với kè đá.
Tham khảo qua một số nước đã ứng dụng cho thấy tiết kiệm 85-90% ở Trung Quốc và Australia là 64-72%, nhìn chung cao nhất là 30% chi phí so với biện pháp truyền thống.
Ngoài mức đầu tư chi phí thấp như trên, kè cỏ còn có chi phí duy tu bảo dưỡng thấp.
Tuy nhiên nhược điểm của việc ứng dụng cỏ Vetiver là cây cỏ không chịu được bóng râm. Kè cỏ chỉ phát huy khi cây cỏ đã lớn, ổn định mặt kè, trong khi gia cố kè của miền Trung thường kết thúc ngay trước mùa mưa. Việc trồng, bảo vệ, tưới nước ở nơi có độ dốc cao rất khó khăn. Thời gian đầu dễ bị trâu bò phá. Và một yếu tố rất quan trọng đó là việc nhân giống, phải có đơn vị chuyên về việc này, tuy nhiên việc tư vấn thiết kế và ứng dụng kè cỏ lại do các chủ đầu tư quyết định…do vậy việc ứng dụng cỏ Vetiver vẫn còn rất chậm.
Kết luận
Quanghiên cứu và thực tế ở An Nhơn có thể đề xuất việc ứng dụng cỏ Vetiver trên một số công trình, đê kè sau:
- Các đoạn đê kè có chiều rộng mái khá, trên 5m, độ dốc vừa phải hoăc nền móng ổn định vững chắc không gây sạt lở hàm ếch, đoạn kè thẳng song song với hướng nước chảy xiết. thi công sớm, hoàn thành trước mùa mưa lũ trên 3 tháng.
- Các tuyến đường giao thông nội đồng có hướng vuông góc với hướng nước chảy, mái ta-luy dương nền đường các tuyến đường lâm sinh.
- Nghiên cứu trồng bảo vệ các bờ bao bãi rác, xử lý ô nhiễm môi trường.
Lê Minh Toán
Ý kiến bạn đọc