Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong những nhiệm vụ quan trọng theo Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy được các cấp, các ngành và các địa phương của thị xã An Nhơn quan tâm triển khai thực hiện.
Trong năm 2022, thị xã An Nhơn tập trung phát triển và nâng cao chất lượng đồng bộ các sản phẩm du lịch, hình thành mới các điểm đến thu hút du khách, tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng du lịch đối với các làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá Nhơn Lộc, làng nghề truyền thống gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu và làng nghề Mai cảnh Nhơn An.
Làng nghề Bàu Đá Nhơn Lộc là 1 trong 4 làng nghề tiêu biểu của tỉnh được thực hiện theo Đề án thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. UBND xã Nhơn Lộc thực hiện hoàn thành quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 làng nghề rượu Bàu Đá; xây dựng cổng làng nghề, cấp 34 nồi nấu rượu bằng đồng đỏ cho các hộ dân. UBND thị xã An Nhơn đề xuất Sở Du lịch chọn hộ gia đình ông Lê Văn Thưởng sản xuất rượu Bàu Đá ở xã Nhơn Lộc tham gia Đề án phát triển du lịch làng nghề của tỉnh; phối hợp với Sở Du lịch tỉnh tổ chức truyền thông cộng đồng, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về du lịch, nghiệp vụ du lịch cho các hộ gia đình có hoạt động nấu rượu, phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Lộc; tập huấn nghiệp vụ cho hộ gia đình ông Lê Văn Thưởng về mô hình homestay và vận hành homestay, kỹ năng lễ tân đón tiếp khách; lắp đặt bảng chỉ dẫn tham quan Làng nghề rượu Bàu Đá. Xã Nhơn Lộc vừa xây dựng hoàn thành đường giao thông và Nhà thờ Tổ làng nghề Rượu Bàu Đá.
Bên canh đó, UBND thị xã lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Làng nghề gỗ mỹ nghệ - Nhơn Hậu để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch; hỗ trợ đầu tư hệ thống thoát nước làng nghề bún bánh An Thái, xã Nhơn Phúc; hỗ trợ đầu tư xây dựng sân phơi bánh tráng tập trung cho làng nghề bánh tráng Trường Cửu, xã Nhơn Lộc; xây dựng Nhà trưng bày sản phẩm làng nghề Tây Phương Danh – Đập Đá; hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất thuộc các làng nghề tham dự các hội chợ triển lãm, duy trì các trang web cho làng nghề rượu Bàu Đá, làng mai Nhơn An và hỗ trợ làng nghề rượu Bàu Đá in nhãn hiệu hợp quy, tiếp tục khảo sát thêm một số làng nghề truyền thống khác để xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch.
Hoạt động tại các làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn thị xã bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch địa phương, phát huy các giá trị văn hóa làng nghề, thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật như việc nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường kết nối di tích và làng nghề, tạo cơ hội phát triển các dịch vụ kèm theo như nhà nghỉ, các dịch vụ ăn uống, bán sản phẩm làng nghề cho khách du lịch, tạo thêm công việc làm, tăng thu nhập cho cư dân làng nghề, góp phần quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa của các làng nghề.
Trong thời gian tới, thị xã tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp sau đây:
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với quá trình bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống; nâng cao vai trò năng lực, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo tồn, phát triển của làng nghề.
- Hỗ trợ các làng nghề ổn định thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới. Khuyến khích các làng nghề đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị theo phương châm kết hợp công nghệ tiên tiến với công nghệ truyền thống nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo sản phẩm làng nghề giữ gìn được những nét đặc trưng, bản sắc văn hóa địa phương.
- Tiếp tục rà soát, lập thủ tục đề nghị công nhận lại các làng nghề theo tiêu chí mới, hướng dẫn xây dựng thực hiện quy ước làng nghề, tăng cường thực hiện đa dạng các hình thức quảng bá, tuyên truyền về làng nghề, các sản phẩm của làng nghề trên trang thông tin điện tử của thị xã và các kênh truyền thông khác. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua các hội chợ, triển lãm, các hội thi sản phẩm công nghiệp nông thôn. Sử dụng các nguồn vốn khuyến công, khoa học và công nghệ, sự nghiệp môi trường, đào tạo nghề để tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm tại các làng nghề.
- Thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống gắn liền với du lịch làng nghề, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. Lựa chọn các làng nghề tiềm năng để đầu xây dựng điểm đến du lịch làng nghề có trọng điểm. Tổ chức và khai thác tốt các dịch vụ gắn liền với du lịch làng nghề. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn đầu tư, phát triển du lịch làng nghề.
- Đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) kết hợp với hoạt động du lịch nhằm tạo sản phẩm mới, đặc trưng của thị xã; xây dựng và phát triển các sản phẩm quà tặng lưu niệm. Xây dựng một số sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.
- Phát huy nội lực của các làng nghề, vai trò của các hộ gia đình, các nghệ nhân trong công tác xây dựng và phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng bền vững.
- Tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch tỉnh thực hiện Đề án thí điểm phát triển du lịch cộng đồng tại làng nghề Rượu Bàu Đá xã Nhơn Lộc; thực hiện đào tạo, phát triển nhân lực phục vụ du lịch làng nghề.
- Phối hợp với Sở Du lịch, Trung tâm thông tin – xúc tiến du lịch, Hiệp Hội Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức cho các công ty lữ hành đến tham quan các làng nghề và kết nối nguồn khách từ những công ty này đến các làng nghề, tăng cường và gắn kết vai trò của doanh nghiệp du lịch với làng nghề, xây dựng các tour, tuyến du lịch. Thu hút các hãng lữ hành đặt đại lý lữ hành tại thị xã, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối điểm đến An Nhơn vào các tour, tuyến du lịch đến Bình Định.
- Phát triển và nâng cao chất lượng đồng bộ các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử gắn với tâm linh, tín ngưỡng để hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề.