Cuối năm 1965, đầu năm 1966, lính Nam Triều Tiên lập chốt tại núi Hòn Mơ (xã Nhơn Thọ) và chốt Đất Sét (xã Nhơn Tân) nhằm tăng cường khống chế các hoạt động của lực lượng cách mạng ở căn cứ An Trường và các xã lân cận.
Để thực hiện đồng thời thủ đoạn “tam giác chiến”, đó là: “du kích chiến”, “biệt kích chiến” và “tâm lý chiến”, địch đã thường xuyên sử dụng lính biệt kích, thám báo đánh sâu vào căn cứ An Trường; bên cạnh đó chúng kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại của nhân dân; quản thúc, theo dõi các gia đình có người thân đi tập kết và các gia đình mà chúng nghi là có cảm tình với cách mạng; mặt khác chúng tăng cường dụ dỗ, mua chuộc người ra làm việc cho chúng. Sâu hiểm hơn là chúng đã sử dụng nhiều hình thức để thực hiện thủ đoạn “tâm lý chiến” tạo ra dư luận ngờ vực trong bà con làng xóm, nhất là những cơ sở cách mạng trung kiên là phụ nữ.
Trong thực tế, ở xóm An Tượng và vùng lân cận khu vực cây số 2, xã Nhơn Tân, phong trào cách mạng trong nhân dân đã có một thời gian trầm lắng. Vì rằng, bà Ba – một cơ sở cách mạng kiên trung, người mà địch đã bắt, tra tấn, tù đày từ An Nhơn đến Quy Nhơn rồi Nha Trang. Dùng vũ lực đến mấy cũng không làm cho bà nao núng hay dao động, chúng dùng chiêu bài “tâm lý chiến” vừa nham hiểm vừa thâm độc, chúng rêu rao là bà có “qua lại” với một sĩ quan ngụy.
Thời ấy, ở nông thôn thường thì chuồng để nuôi bò được làm ở trước nhà, còn giếng nước thì được làm ở sau nhà. Bằng thủ đoạn ấy, nên cứ khoảng năm, mười ngày là bà con xung quanh lại thấy có một sĩ quan ngụy từ sáng sớm đã đánh răng, rửa mặt, … ở tại giếng nước của bà.
Đứng trước khó khăn và phức tạp đó!
Đội công tác của xã bằng sự dũng cảm, mưu trí và linh hoạt thực hiện chủ trương của Huyện ủy, với khẩu hiệu hành động “4 bám”: cán bộ bám dân; dân bám đất; lực lượng vũ trang bám địch; trên bám dưới.
Nhờ kiên trì “bám dân”, lắng nghe dân nói nên Đội công tác đã nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của kè thù, từ đó có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục cho dân biết, từng bước phá vỡ thủ đoạn “tam giác chiến” của địch và cũng qua đó vạch trần luận điệu của kẻ thù đối với các cơ sở cách mạng. Do vậy, âm mưu của kẻ thù đối với bà Ba cũng được làm sáng tỏ, bà tiếp tục làm cơ sở cách mạng cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.
Để mở rộng vùng giải phóng, củng cố và phát triển vùng làm chủ, các Đội công tác đã bám cơ sở, đào hầm bí mật, hình thành “căn cứ lõm” trong vùng địch để hoạt động.
Việc chọn địa điểm để đào hầm và cơ sở cách mạng bảo vệ hầm phải hết sức bí mật và cũng rất kỳ công. Bởi vì nếu không may căn hầm bị lộ thì bọn địch sẽ bắt cả gia đình tra khảo hết sức dã man và tài sản, nhà cửa cũng bị chúng đốt sạch. Cho nên người cơ sở cách mạng đó phải có bản lĩnh vững vàng, dũng cảm, mưu trí và linh hoạt ứng xử đối phó với địch.
Đây là một thử thách cực kỳ to lớn, một công việc vô cùng gian nan và căng thẳng không chỉ đối với cơ sở cách mạng mà cả với Đội công tác. Cho nên, trước hết là Bí thư chi bộ, Đội trưởng Đội công tác phải tỏ rõ và thể hiện đầy đủ tính tiền phong gương mẫu, dũng cảm đi đầu vượt qua mọi gian nguy và đặc biệt là sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Từ thực tế nghe và nhìn thấy những việc làm của Đội công tác, nhân dân mới thật sự vững tin và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được Đội công tác giao.
Kiên trì với quyết tâm thực hiện thắng lợi “4 bám” của các Đội công tác nên phong trào cách mạng trong toàn huyện đã được xây dựng, củng cố và phát triển, đã vững vàng hơn, linh hoạt hơn trong đấu tranh với địch nhất là cao điểm trong những chiến dịch “tát nước bắt cá”, “lật đá bắt cua”.
Vào khoảng giữa tháng 3 năm 1966, mới sáng sớm lính Mỹ và quân Nam Triều Tiên, có máy bay và xe tăng yểm trợ, pháo từ sân bay Gò Quánh và cầu Phụ Ngọc bắn phá dồn dập dọn đường cho cuộc càn quét với quy mô lớn vào các thôn của xã Nhơn Mỹ.
Bọn lính Nam Triều Tiên từ các chốt Thiết Tràng, Đại An tràn sang các thôn Đại Bình, Hòa Phong, Tân Kiều, … chúng bắn phá, đốt nhà cửa và hoa màu, quyết liệt xúc tát, dồn dân vào các khu dồn ở Đập Đá; chúng xăm xỉa đủ kiểu hòng tìm kiếm hầm bí mật vì trước đó chúng đã được bọn mật báo viên cung cấp – thực tế là các thôn ở đó đều có hầm bí mật.
Chúng càng quét, bắn phá suốt cả ngày, đến chiều chúng mới rút về các chốt, để lại cảnh hoang tàn, đổ nát. Đêm tối thì bà con mới trở về dọn dẹp, gom những vật dụng còn sót lại; lúc ấy những cơ sở cách mạng như chị Tư ở Đại Bình và nhiều cơ sở cách mạng ở Hòa Phong, Tân Kiều mới mở được nắp hầm cho cán bộ, cho Đội công tác của xã lên để tiếp tục đi hoạt động.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cuộc kháng chiến lâu dài, oanh liệt và đã chiến thắng vẻ văng. Dù vậy, sự hiểu biết về cuộc kháng chiến ấy vẫn chưa thể gọi là đầy đủ, nhưng trên cơ sở những gì đã trải qua trong một thời gian nhất định, có thể giúp cho chúng ta có thêm những hiểu biết về công tác vận động quần chúng, về cách thức lắng nghe ý kiến của nhân dân cũng như việc xây dựng, củng cố lòng tin trong nhân dân./.