Toạ lạc hai bên quốc lộ IA, gần cảng biển Gò Bồi, Quy Nhơn, nhưng những năm đầu lên phường nguồn lực chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp. Tỷ trọng giá trị nông nghiệp chiếm trên 75% trong cơ cấu kinh tế của phường, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp còn nghèo nàn, thương mại- dịch vụ nhỏ lẻ, chậm phát triển.
Trước thực trạng đó, phường Nhơn Hưng tìm cách đi lên bằng khai thác nguồn lực, lợi thế của mình. Sau hơn 13 năm từ xã lên phường (2012-2025), đến nay gần kết thúc nhiệm kỳ 2020- 2025, hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đaị hội Đảng bộ lần thứ XV đề ra đều đạt và vượt. Tiềm năng và thế mạnh của địa phương đã và đang được khơi dậy, làm động lực cho phát triển, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm 2024 đạt 80,2 triệu đồng, tăng hơn 5 lần so với lúc mới lên phường nội thị, diện mạo của Nhơn Hưng đã hoàn toàn khác xưa.
Mặc dù giai đoạn 2020- 2025, bên cạnh những thuận lợi rất cơ bản, nhưng gặp không ít khó khăn, hơn một năm cùng cả nước gồng mình phòng, chống đại dịch Covid-19. Phường Nhơn Hưng vẫn phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 2 con số, năm cao nhất là 2024 đạt 15,12%, dự kiến năm 2025 sẽ đạt 16,72%. Thuộc nhóm xã, phường có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong thị xã.
Là địa bàn nằm giữa hai nhánh sông Côn, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện. Ngoài hơn 300 ha diện tích lúa, mỗi năm sản xuất trên 5.000 tấn lương thực, còn thâm canh hơn 200 ha các loại cây trồng cạn như: bắp, đậu phộng, đậu nành, rau sạch, hoa các loại và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa và nhỏ. Đồng thời nhanh chóng khôi phục một số ngành nghề truyền thống, nhất là khảm xà cừ, mộc mỹ nghệ và phát triển một số ngành nghề mới như cơ khí sửa chữa, điển tử, điện lạnh, chế biến nông sản thực phẩm…Đặc biệt là khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh tế của địa bàn có quốc lộ I A đi qua dài 5 cây số, kết nối giao thương giữa các vùng miền trong và ngoài thị xã, Nhơn Hưng đã xác định hướng phát triển kinh tế là thương mại- dịch vụ, được coi là một trong ba khâu đột phá để sớm đưa nền kinh tế của phường tiếp tục tăng trưởng và phát triển, năm sau cao hơn năm trước.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Năm 2021 ứng phó với đại dịch Covid, nhưng tỷ trọng thương maị- dịch vụ vẫn chiếm 49,5%, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp 16,5%, nông nghiệp 34%. Tương ứng như vậy, năm 2022 là 50,9%, 17,8%, 31,3%; năm 2023 51,5%, 18,2%, 30,3%; năm 2024 là 52,4%, 21,4%, 26,2%; dự kiến năm 2025 là 52,6%, 24,6%, 22,8%. Thương mại- dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao nhất, hơn một nửa trong cơ cấu kinh tế của phường, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV đề ra (50%). Địa bàn Nhơn Hưng không có chợ truyền thống, nhung đã khai thác cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử, không tốn mặt bằng nhưng hàng hoá vẫn đến tay người tiêu dùng, mạng lưới bán buôn, bán lẻ rộng khắp, đáp ứng mọi nhu cầu về sản xuát và đời sống cho nhân dân. Về dịch vụ không chỉ có dịch vụ vận tải, xăng dầu, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm mà còn có dịch vụ nhà hàng, khách sạn…mở ra hướng làm giàu cho địa phương.
Lao động nông nghiệp giảm dần nhờ cơ giới hoá tác động vào đồng ruộng thay dần sức người, tạo điều kiện rút lao động nông nghiệp sang làm ngành nghề phi nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế lẫn hiệu quả xã hội, xúc tiến mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cùng với đó là chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các khu vực, hàng trăm thanh niên nông thôn mặc áo thợ vào làm việc trong các cơ sở sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và thương mại- dịch vụ, họ ly nông chứ không ly hương.
Mỗi năm phường Nhơn Hưng giải quyết khoảng 200 lao động có việc làm mới. Cụ thể năm 2021 giải quyết 208 lao động, vượt 4% kế hoạch; năm 2022 giải quyết 204 lao động, vượt 2% kế hoạch; năm 2023 giải quyết 224 lao động, vượt 12% kế hoạch; năm 2024 giải quyết 197 lao động, vượt 13% kế hoạch. Trong số đó, có hàng chục thanh niên xuất khẩu lao động làm việc ở nước ngoài, tạo sinh kế và tăng thêm nguồn thu nhập cho người lao động, góp phần thoát nghèo bền vững, để đến cuối năm 2024, phường Nhơn Hưng cơ bản không còn hộ nghèo và đến giữa năm 2025 sẽ xoá nhà ở đơn sơ, tạm bợ cho hộ chính sách người có công và hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Một trong những nguyên nhân góp phần giảm nghèo bền vững ở Nhơn Hưng là tạo việc làm và giải quyết vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội và vốn của các hội, đoàn thể. Chỉ tính trong vòng 4 năm từ 2021- 2024, phường Nhơn Hưng đã giải quyết cho gần 700 hộ vay vốn hơn 44.348 triệu đồng để tổ chức sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh mua bán, mua giống cây trồng, vật nuôi phát triển nông nghiệp.
Tiếp tục huy động nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội và chỉnh trang đô thị, làm cho diện mạo của phường ngày càng văn minh, hiện đại. Đồng thời không ngừng xây dựng nếp sống văn hoá cho người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể ở một địa phương từng là trung tâm thành Bình Định xưa, sở hữu ba di tích văn hoá- lịch sử. Đó là di tích Gò Chàm nơi giặc Pháp xử chém thủ lãnh Mai Xuân Thường và các tướng lĩnh Cần Vương, mộ Tiến sỹ Hồ Sỹ Tạo- người có công lãnh đạo phong trào kháng thuế ở Bình Định và đền thờ Châu Trần Nhị Thị- hai người phụ nữ có công đắp đập ngăn sông dẫn thuỷ nhập điền phát triển nông nghiệp. Nhơn Hưng cũng là nơi lưu giữ và phát huy truyền thống văn hoá văn nghệ dân gian, nhất là võ thuật, hát bội, bài chòi, cờ người…
Cán bộ và nhân dân phường Nhơn Hưng với tâm thế bước sang năm mới Ất Tỵ- 2025, với niềm tin mới chào mừng Đảng ta tròn 95 mùa xuân; 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, chào mừng thị xã An Nhơn lên thành phố trực thuộc tỉnh./.