Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, toàn tỉnh có 164 hồ chứa có dung tích từ 50 ngàn m3 trở lên; đến 17 giờ ngày 27/9, dung tích đạt 32,16% dung tích thiết kế, các hồ lớn đang được điều tiết đưa về mực nước thấp nhất để đón lũ.
Đến 14 giờ ngày 27/9, có 161 tàu/1.199 lao động nằm trong vùng nguy hiểm. Trong đó, 3 tàu/21 lao động nằm trong vùng di chuyển của bão đã nhận thông tin về diễn biến của cơn bão số 4 và hiện đang di chuyển xuống phía Nam ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão; 158 tàu/1.175 lao động đã nhận thông tin về diễn biến của cơn bão và hiện đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão.
Các khu neo đậu tàu cá (Cảng Tam Quan, cảng Đề Gi và cảng Quy Nhơn đã tiếp nhận 5.600 tàu. Toàn bộ các tàu đang bốc dỡ hàng hóa ở khu vực cảng Quy Nhơn đã được hướng dẫn và di chuyển vào tránh trú tại vịnh Xuân Đài (Phú Yên) từ chiều ngày 26/9. Đối với tàu công trình, cho di chuyển neo đậu vào vị trí an toàn ở đầm Thị Nại; đồng thời Cảng vụ bố trí các tàu lai dắt ứng trực 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp.
Toàn tỉnh đã sơ tán 5.109 hộ/14.729 người; 557 khách du lịch hiện có tại các cơ sở lưu trú ven biển đã được thông tin về cơn bão số 4.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, tại điểm cầu UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cho biết, để đảm bảo an toàn trong công tác ứng phó với bão số 4, UBND tỉnh đã có Thông báo về việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Chính quyền và Đoàn thể trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc ngày 28/9/2022 (trừ các bộ phận được phân công tham gia làm nhiệm vụ phòng, chống bão số 4 và các lực lượng khác do thủ trưởng cơ quan quyết định); đồng thời, yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà kể từ 21h00 ngày 27/9/2022 cho đến khi hết bão, ngoại trừ các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão số 4 và các tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, đảm bảo an toàn yêu cầu phòng, chống bão số 4.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát và xác định chính xác các khu vực có nguy cơ; kiên quyết di dời dân đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Các vùng trũng, vùng sâu cần tập trung lực lượng để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân khi mưa lũ xảy ra. Lực lượng công an chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng, đảm bảo an toàn giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là các đoạn nước tràn qua đường, khu vực sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn xảy ra.
Theo báo cáo của các địa phương tại cuộc họp, đến nay công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 4 đã được triển khai nhanh chóng, quyết liệt, bám sát phương án ứng phó đã được phê duyệt. Việc tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ gió mạnh của bão, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng ven sông, ven biển đến nơi an toàn đã cơ bản hoàn thành theo chỉ đạo của Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu các lực lượng, địa phương không được chủ quan, lơ là, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng biểu dương Ban Chỉ đạo tiền phương đã triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác ứng phó với cơn bão số 4.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Đây là cơn bão rất mạnh, được dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung bộ. Trong khi đó, Bình Định là một trong 5 địa phương được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất với cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các lực lượng, địa phương không được chủ quan, lơ là, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra, nhất là bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Trực 24/24 để theo dõi diễn biến của cơn bão và chỉ đạo ứng phó kịp thời; địa phương, lực lượng nào không thực hiện nghiêm túc thì phải chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Tiếp tục kiểm tra, rà soát và kiên quyết di dời người dân ở những vùng sạt lở, vùng ven biển có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão… đến nơi an toàn sớm nhất có thể. Tuyên truyền, vận động người dân hạn chế ra khỏi nhà trong thời gian bão đổ bộ đất liền.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng cũng lưu ý, sau bão, các lực lượng, địa phương cần khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão gây ra, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc thông suốt, tổ chức vệ sinh môi trường sau bão, lũ…
Tác giả bài viết: Theo binhdinh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc